"Xã Hiếu Thành không có cây cam thì vẫn còn khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM)"- đó là khẳng định của ông Nguyễn Vinh An- Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) khi nói về quá trình xây dựng NTM của xã, nhất là trong thực hiện tiêu chí thu nhập.
Cây cam sành đang đem đến thu nhập khá cho người dân xã Hiếu Thành. |
“Xã Hiếu Thành không có cây cam thì vẫn còn khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM)”- đó là khẳng định của ông Nguyễn Vinh An- Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành (Vũng Liêm) khi nói về quá trình xây dựng NTM của xã, nhất là trong thực hiện tiêu chí thu nhập. Bởi, nhờ cây cam sành mà đời sống người dân ngày càng khấm khá, từ đó đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng NTM.
Tậu đất, sắm xe… nhờ trồng cam sành
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng cam đang cho trái oằn cây và cặp bên là ruộng cam vừa trồng mới- đều do ông Võ Văn Xem- Bí thư kiêm Trưởng ấp Hiếu Xuân Tây làm chủ, ông Xem cho biết: đây là diện tích tôi trồng thử nghiệm đầu tiên, sau thời gian đưa cây cam sành xuống ruộng khá hiệu quả, nay tôi trồng mới lại.
Cách nay 9 năm, có người đến hỏi mướn đất lúa của ông Xem để trồng cam. Do không thỏa thuận được giá thuê đất, ông Xem cho rằng: “Người khác làm được thì mình làm được, nghĩ vậy nên tôi bung ra làm”. “Nếu chịu mần ăn thì trồng 1 công cam sành trong 2 năm đầu kiếm 100 triệu đồng khỏe re”- ông Xem khẳng định.
Là người trồng cam sành đầu tiên ở xã, bước đầu ông Xem chưa nhận được sự đồng tình vì làm trái với quy hoạch của xã, do trước đây xã Hiếu Thành được quy hoạch là vùng trồng lúa. Song, từ khi cây cam sành bén rễ trên đất Hiếu Thành đã đem đến đời sống khấm khá cho người dân và giờ đây mọi chuyện đã thay đổi…
Từ 3 công trồng cam sành lúc đầu khá hiệu quả, ông Xem mướn thêm 17 công để phát triển mô hình. “Thấy tui làm trái ngon, cán bộ xã và người dân cũng vô coi rồi làm. Mình làm có ăn thì bà con làm theo à”- ông Xem nói và cho biết: “Ấp này trước đây hộ nghèo nhiều lắm, giờ nhiều người đã có bạc tỷ, bạc trăm triệu nhờ trồng cam sành”.
Từ một người có đời sống khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, song nhờ mạnh dạn đưa cây cam xuống ruộng và vừa học, vừa làm… dần dần đã đưa cuộc đời anh Trần Văn Nguyên- ấp Hiếu Xuân Tây “mở sang trang mới”. Nguồn thu khá từ cây cam sành đã giúp anh có điều kiện đầu tư nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi có giá trị cho gia đình, mới đây anh sắm chiếc xe hơi trị giá 1,2 tỷ đồng.
Không những vậy, anh Nguyên còn tậu được 10 công đất nằm cặp lộ lớn với giá hơn 1,1 tỷ đồng, trồng cam ra trái chiếng, anh bán được 1,6 tỷ đồng, đặc biệt là “vụ này tui để cho cam ra trái tự nhiên chứ không làm bông, mua đất về làm mấy năm, trừ vốn đầu tư ra là có dư thẳng kè luôn”- anh Nguyên nói và khẳng định: “Bà con mình có chừng 4- 5 công đất, chỉ cần lo làm ăn là cất được nhà tường à”.
Về thăm xã Hiếu Thành, câu chuyện của người dân nơi đây đều gắn với cây cam sành. Hôm chúng tôi đến, một cán bộ xã đang cân cam với giá 15.500 đ/kg, năng suất 4 công gần 40 tấn, “nếu xã Hiếu Thành không có cam mà toàn trồng lúa thì giờ nằm mơ cũng không thấy được NTM vì thu nhập từ trồng lúa rất thấp”- ông Lê Vinh An- Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành nói.
Năm 2021, xã Hiếu Thành về đích NTM với 7/19 tiêu chí có chỉ tiêu đạt vượt so quy định. Trong đó, tỷ lệ đường liên ấp đạt chuẩn 94,9%, vượt 44,9%; tỷ lệ sử dụng điện an toàn tăng 1,74%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,49% (quy định 4% trở xuống)… |
Thu nhập vượt chuẩn
Theo ông Lê Vinh An, qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhận thấy cây cam sành rất phù hợp với vùng đất của xã, địa phương đã đề xuất UBND huyện quy hoạch vùng cây ăn trái 3 xã Hiếu Nhơn- Hiếu Thành- Hiếu Nghĩa chuyên về cây có múi mà chủ lực là cây cam sành. Hiện, xã Hiếu Thành 314ha trồng cam sành đang cho trái, năng suất bình quân 80 tấn/ha, giá bán 15.500- 16.000 đ/kg. “Tới vụ thu hoạch, nông dân bán cam mà… “vác tiền hổng nổi”. 5 năm sau nhà báo về xã Hiếu Thành sẽ thấy toàn nhà to, xe 4 bánh đậu đầy nếu giá cam vẫn giữ như thế này”- ông Lê Vinh An cười tươi.
Cây cam không chỉ đem đến thu nhập khá cho người trồng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động như: làm cỏ, bấm đọt, cắt cam, treo trái… với giá thuê 140.000- 160.000 đ/ngày (lao động nữ); hay lên bùn cam, xịt thuốc với giá 300.000- 500.000 đ/ngày (lao động nam).
Qua thống kê các nguồn thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể và thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động trên địa bàn xã, trong đó nhờ phát triển mạnh mẽ mô hình trồng cam sành đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,69 triệu đồng/năm, dẫn đầu so các xã cùng xây NTM năm 2021 và vượt chuẩn so quy định 1,69 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các mặt hàng nông sản đều ứ đọng, nhưng trái cam sành vẫn đi được tốt, nhờ địa phương ưu tiên cho xe vùng xanh vào vận chuyển cam sành và lao động trong lĩnh vực trồng cam sành trong xã vẫn làm việc bình thường nhưng đảm bảo giãn cách. Nhờ vậy, đã giúp người dân đảm bảo thu nhập.
Ông Lê Vinh An cho hay: Dự kiến đến năm 2025 cam sành toàn xã Hiếu Thành sẽ đạt khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp. Đến thời điểm này trái cam sành vẫn rất được thị trường ưa chuộng. Tại đây, đã thành lập HTX Cam sành Vinfarm Vũng Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người trẻ, năng động. Hiện, HTX liên kết với các công ty để hỗ trợ giảm 10% vật tư nông nghiệp cho xã viên và đảm bảo đầu ra cho cây cam sành.
Ông Mai Văn Lá- Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành Cây cam sành tuy đem đến cuộc sống khá giả cho nông dân nhưng chi phí đầu tư khá cao. Hiện, giá vật tư nông nghiệp cao và tiền thuê đất cũng tăng cao… Tôi mong thời gian tới tỉnh Vĩnh Long sẽ thành lập thêm điểm cung cấp cây giống cho bà con để không mua phải cây giống trôi nổi, đồng thời thành lập nhà máy sơ chế cam và ổn định giá vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm đầu tư. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin