Trong năm 2021, mặc dù gặp khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ khách hàng từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Các doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới. Trong ảnh: Chôm chôm Bình Hòa Phước xuất ngoại. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH |
Trong năm 2021, mặc dù gặp khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ khách hàng từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, năm 2021, tuy mặt bằng lãi suất huy động có sự biến động tăng, giảm nhẹ đan xen tại một số kỳ hạn, xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng nhằm mục tiêu cơ cấu nguồn vốn nhưng nhìn chung xu hướng tiếp tục giảm.
Qua đó, hỗ trợ tích cực cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, trong đó có nhiều đối tượng cho vay giảm từ 0,5- 1%/năm theo các gói tín dụng sản xuất kinh doanh, nhất là thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cam kết giảm lãi suất cho vay của nhóm 16 ngân hàng thương mại.
Số dư nguồn vốn huy động đến ngày 31/12/2021 đạt 43.476 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 33.837 tỷ đồng, tăng 8,09%, chiếm 78%/tổng vốn huy động.
Dư nợ đến 31/12/2021 đạt 36.563 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm 2021. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện giãn cách nên từ đầu năm đến cuối quý III/2021 việc cho vay của các ngân hàng gặp khó khăn, dư nợ cho vay một số ngành giảm so với đầu năm như xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Tuy nhiên, trong quý IV/2021, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, cùng với sự chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh, các ngân hàng đã tăng cường việc đầu tư cho vay nên dư nợ tăng mạnh và phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, dư nợ cho vay tuy tăng không đạt định hướng đầu năm nhưng đã tăng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực cho vay thu mua lúa gạo....
Chính từ nguồn lực của mình, các ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì và từng bước phục hồi sản xuất như giảm, miễn phí dịch vụ ngân hàng, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay mới...
Theo đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.257 khách hàng với dư nợ 761 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.592 khách hàng với dư nợ 5.158 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm trên 16,5 tỷ đồng.
Đã thực hiện giảm lãi suất cho 65.289 khách hàng với dư nợ 17.424 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm 56,1 tỷ đồng. Thực hiện miễm, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho 17 doanh nghiệp, với 7.779 lao động, số tiền giải ngân 26,2 tỷ đồng. Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, các ngân hàng đã thực hiện tốt đóng góp an sinh xã hội, công tác phòng chống COVID-19, chương trình “sóng và máy tính cho em”... tổng số tiền 40,8 tỷ đồng.
Tăng cường “vốn mồi” cho kinh tế phục hồi và phát triển
Theo dự báo của NHNN chi nhánh tỉnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội trong năm 2022, tuy nhiên thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, nền kinh tế từng bước sẽ phục hồi nên nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng sẽ tăng.
Chính phủ sẽ triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nên dự báo khả năng lạm phát tăng nên ảnh hưởng đến việc giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, bên cạnh đó nợ xấu có xu hướng tăng, huy động vốn của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do chịu sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác của nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu định hướng năm 2022: tăng trưởng nguồn vốn huy động đạt 8- 10% so với năm 2021; dư nợ cho vay đạt 12- 14%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả tích cực trong năm qua, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh vai trò đầu mối của NHNN tỉnh trong việc phối hợp tốt với các đơn vị tham mưu, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về tín dụng kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh.
Trong năm 2021, các ngân hàng đã nỗ lực vượt khó, góp phần hỗ trợ khách hàng từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. |
Ông Lê Quang Trung cũng lưu ý, ngành ngân hàng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng theo ngành, lĩnh vực, qua đó tạo nguồn “vốn mồi” góp phần hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Trong đó, ưu tiên tập trung tăng trưởng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu ngành công thương, cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đến 31/12/2021 Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 và 116) đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm 2021. Cho vay xuất khẩu đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 9,1%. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 7,03%. Cho vay lĩnh vực ứng dụng cao nghệ cao đạt 231 tỷ đồng, tăng 133,3%. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện 16 chương trình cho vay theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc trên địa bàn. Năm 2021, dư nợ cho vay đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,81%, với 88.913 hộ vay vốn (tương ứng 107.472 món vay). |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin