Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long

04:01, 06/01/2022

Ngày 6/1/2022, Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp- PTNT các tỉnh- thành phố tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19, với chủ đề: "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long".

 

Nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 của thanh long hiện nay.
Nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 của thanh long hiện nay.

(VLO) Ngày 6/1/2022, Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp- PTNT các tỉnh- thành phố tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19, với chủ đề: “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long”.

Theo Cục Trồng trọt, sản lượng thanh long của Việt Nam gần 1,4 triệu tấn/năm, trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000ha), Long An (khoảng 12.000ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000ha), chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.

Sản lượng thanh long không phân bố đều, cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn, và quý IV khoảng 500.000 tấn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày, thảo luận các vấn đề về tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng; tình hình sản xuất thanh long trong nước; tình hình quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long; thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển. Đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, chế biến mặt hàng này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Bên cạnh đó, hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm.

Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt. Sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh