Kênh quảng bá, kết nối hiệu quả

05:01, 12/01/2022

Là nơi để các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và chính bản thân người nông dân được tiếp thị, quảng bá sản phẩm do mình làm ra, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5- Vĩnh Long năm 2021 còn giúp các DN tăng cường liên kết hợp tác đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

(VLO) Là nơi để các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và chính bản thân người nông dân được tiếp thị, quảng bá sản phẩm do mình làm ra, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5- Vĩnh Long năm 2021 còn giúp các DN tăng cường liên kết hợp tác đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Đây là cơ hội để các sản phẩm địa phương “lên tiếng”.
Đây là cơ hội để các sản phẩm địa phương “lên tiếng”.

Khẳng định “tiếng nói” cho hạt gạo

Theo Ban tổ chức, Festival lúa gạo với chuỗi các hoạt động thiết thực đã tạo cơ hội để các DN, hợp tác xã sản xuất lúa gạo đến gần hơn với hệ thống nhà phân phối và người tiêu dùng, mở ra những cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời để kết nối với các đơn vị có cùng chung mục đích, ngành nghề, hướng tới xây dựng các chuỗi giá trị mới cho sản phẩm.

Cùng với các chương trình giới thiệu, trưng bày sản phẩm, hội thảo, trong khuôn khổ Festival, còn diễn ra Hội thi Gạo ngon thương hiệu Việt.

Hội thi đã thu hút 7 đơn vị là đại diện các DN, hợp tác xã lúa gạo đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long đã giới thiệu đến ban giám khảo và người tiêu dùng các sản phẩm gạo gồm: ST24, MS19RMTT, ST 25, Hạt Ngọc Rồng, Ngọc trời Thiên Vương, gạo đặc sản VD20 Gò Công, gạo lúa tôm Kiên Giang.

Lần 2 tham gia tại hội thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (Trà Cú- Trà Vinh) Trầm Minh Thuần cho biết: Tham gia hội thi hợp tác xã mang đến sản phẩm là gạo Hạt Ngọc Rồng- sản phẩm gạo hữu cơ được trồng trong vùng luân canh lúa- tôm, 1 vụ/năm.

Cuộc thi là cơ hội tốt để hợp tác xã quảng bá hình ảnh sản phẩm gạo của tỉnh Trà Vinh đến bạn bè trong khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.

Tâm huyết với từng “hạt ngọc trời”, ông Lê Văn Trưởng- Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (Vũng Liêm- Vĩnh Long) chia sẻ: “Là một người nông dân, trước đây cũng như nhiều hội viên khác, tôi chỉ quen sản xuất trên đồng ruộng, sản phẩm làm ra chỉ bán cho thương lái.

Mấy chục năm qua, tôi vẫn quen chứng kiến cảnh trúng mùa thì mất giá mà được giá thì lại mất mùa, sản phẩm làm ra luôn bán với giá trị thấp.

Bản thân tôi nhận thấy hướng canh tác này không còn phù hợp với thời buổi công nghệ 4.0, do đó đã cùng những người ở địa phương thành lập ra hợp tác xã để đưa hạt gạo an toàn đến với người tiêu dùng.

“Chúng tôi nghĩ, vì sao không tự mình làm ra sản phẩm rồi tự mình đưa đến tay người tiêu dùng để giá trị sản phẩm được nâng lên hơn.

Các dịp hội chợ cũng như Festival lần này chính là cơ hội quan trọng để chúng tôi tự giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình, không chỉ mở rộng thị trường cho đơn vị mình mà còn giúp thương hiệu gạo ngon tỉnh nhà đi xa hơn, có tiếng nói trên thị trường hơn”- ông Lê Văn Trưởng tâm tư.

Tham gia suốt 5 lần Festival, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ- Vĩnh Long) Nguyễn Văn Thành cho biết: Festival lúa gạo lần 4 năm 2019 từng đem đến cho công ty một cơ hội lớn khi sản phẩm gạo của công ty đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Thương hiệu Việt với dòng gạo Thần Tài 79.

Sau cuộc thi, sản phẩm gạo này được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Đến nay, Công ty không chỉ phát triển sản phẩm này như một loại thực phẩm hàng ngày dùng trong gia đình, mà còn phát triển theo hướng nâng cao giá trị hạt gạo thành món quà Tết và đã được nhiều đơn vị, người dân tin tưởng sử dụng.

Hiện công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều giống lúa, vùng trồng, mẫu mã bao bì, để đa dạng hơn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.   

Theo PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trường ĐH Cần Thơ- Trưởng Ban giám khảo Hội thi Gạo ngon Thương hiệu Việt, qua phần thi cho thấy, các sản phẩm gạo dự thi đều đạt chất lượng, hầu hết đều là sản phẩm OCOP, sản xuất theo hướng hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc. Hạt gạo là thức ăn truyền thống của người Việt Nam, không có sản phẩm nào thay thế được.

Hiện nay với vai trò phát triển những chuỗi sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm sau gạo thì các công ty, hợp tác xã đã quan tâm gắn kết những sản phẩm giá trị gia tăng của hạt gạo để có thể mang lại giá trị cao hơn, giúp khách hàng được sự trải nghiệm tiêu dùng tốt hơn.

Cơ hội để doanh nghiệp kết nối

Festival đem đến nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối cho doanh nghiệp.
Festival đem đến nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối cho doanh nghiệp.

Nhiều DN cho rằng, Festival đã góp phần tạo điều kiện để các DN có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, vừa góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực ĐBSCL trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Và hơn hết, đây là cơ hội để DN tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng, bắt nhịp được thị trường để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đối với các DN trước nay vẫn thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường, kết nối cung cầu.

Anh Nguyễn Văn Phát (Công ty AP Engineering- Bình Dương) cho biết: “Tôi đến với Festival lần này để kết nối với các DN, hợp tác xã có nhu cầu liên kết, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao phục vụ cho bảo quản sau thu hoạch.

Qua tham quan và tìm hiểu có thể thấy có những DN rất sáng tạo nhưng trước nay chúng tôi không hề biết tới.

Đến trực tiếp, được nói chuyện với người trong ngành giúp chúng tôi hiểu được câu chuyện phía sau và cách mà người nông dân đã làm như thế nào để mang lại giá trị cho sản phẩm, từ đó chúng tôi sẽ có những hướng đi, kết nối phù hợp để cùng nhau hoàn thiện chuỗi sản phẩm lúa gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc- Cơ sở sản xuất trà đinh lăng Trường Ái (Long Hồ- Vĩnh Long), cũng chia sẻ: Mục đích chính khi tham gia hội chợ là mong muốn quảng bá sản phẩm, đồng thời, tiếp cận với nhà phân phối và người tiêu dùng để điều chỉnh việc phân phối cho thị trường.

Bên cạnh đó, có hướng xây dựng, phát triển bao bì, mẫu mã.... hợp lý, đảm bảo chất lượng và bao bì phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Qua 4 ngày tham gia, cơ sở đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, nhiều sản phẩm đã hết hàng hơn. Điều này khiến cơ sở rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, đánh giá: với chủ đề “Nông nghiệp bền vững- Phát triển cùng nhà nông”, Festival lần này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, DN ngành hàng lúa gạo Việt Nam mà còn là nhịp cầu kết nối để các tỉnh, thành giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, mà còn là cơ hội để các DN đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng cường liên kết hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm của các địa phương trên thị trường.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh