Nguồn cung các sản phẩm nông sản trong dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng hơn so với năm trước, do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất
Nhiều địa phương sẵn sàng nguồn cung phục vụ thị trường Tết. |
(VLO) “Nguồn cung các sản phẩm nông sản trong dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng hơn so với năm trước, do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất”- là đánh giá của ông Phạm Văn Duy- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT) tại diễn đàn Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết vừa được tổ chức.
Địa phương tích cực chào hàng Tết
Diễn đàn nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong trạng thái bình thường mới, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn hàng hóa, nông sản thực phẩm, đặc sản từ khắp các địa phương trên cả nước trong dịp Tết.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm trước.
Cụ thể: lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%); thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%); thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%); trứng 16 tỷ quả (tăng 10%); rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%); đậu các loại tăng 4%...
Để phục vụ cho thị trường Tết, các địa phương đã sớm chuẩn bị một lượng lớn nông sản để cung ứng cho thị trường.
Tại diễn đàn, bên cạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, các địa phương cũng đã giới thiệu cụ thể về chủng loại, số lượng các loại nông sản thực phẩm và sản phẩm đặc sản vùng miền, nhất là sản phẩm OCOP. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản, trái cây vùng ĐBSCL ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng,…
Ông Lê Quốc Điền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết.
“Tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, 1/2022 và 2/2022 lần lượt là khoảng: 19.000 tấn, 22.000 tấn và 35.000 tấn. Bên cạnh, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn.
Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm”- ông Điền thông tin.
Trong khi đó, tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cũng cho biết: Vĩnh Long đa dạng các loại sản phẩm nông sản như cây có múi, khoai lang, cá tra, thủy sản lồng bè…. Diện tích sản xuất lúa hàng năm hơn 146.000ha, sản lượng 900.000 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 74 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.
“Cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, tỉnh Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội mong muốn kết nối tiêu thụ như: dưa hấu 8.000 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; bưởi Năm Roi, bưởi da xanh khoảng 400 tấn; cá điêu hồng hơn 100 tấn; dưa lưới 20 tấn.
Vùng chuyên canh khoai lang hàng năm khoảng 14.000ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…”- ông Liêm cho biết thêm.
Chung tay tìm đầu ra
Nguồn cung nông sản Tết tăng hơn so với năm trước. |
Theo ông Đào Văn Hồ- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp- PTNT), Tết đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm đặc biệt là hàng nông sản của người tiêu dùng trong dịp này là rất lớn.
Tại hầu hết các địa phương, nông dân đã chủ động trong sản xuất, chế biến hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn và còn khó khăn hơn nữa đó là tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hóa, nông thủy sản tại các cửa khẩu liên thông với thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết: Với đặc trưng là đại diện cho các nhà bán lẻ, phân phối vào siêu thị, Hiệp hội cam kết cùng các nhà cung cấp, Tổ Công tác 970 để triển khai chuyên đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền vào siêu thị.
Ngoài ra, với cương vị là người đứng đầu chuỗi Siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh- thành phố, ông Thái Dũng cho biết cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước.
Trong khi đó, chia sẻ về mô hình kinh doanh mới, bà Nguyễn Thị Lê Na- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp sinh thái Ecovi, cho biết: Hiện đơn vị chủ yếu phân phối các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với hơn 200 điểm bán trên toàn quốc.
Mô hình của Ecovi khá linh động khi đi theo hướng tận dụng hình thức trực tuyến của các điểm bán quy mô từ nhỏ đến lớn.
“Doanh nghiệp đang cần tìm, kết nối với các đơn vị canh tác theo hướng sinh thái, hữu cơ hoặc các đơn vị đang mong muốn chuyển đổi sản xuất theo hướng này.
Hiện nay chúng tôi đang tập trung cho sản phẩm trái cây tươi. Sang năm 2022, Công ty sẽ tập trung sang các sản phẩm chế biến nông sản khô”- bà Na cho hay.
Ông Phạm Văn Duy- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), cho biết: “Về nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15- 20% tùy từng sản phẩm”.
Trên cơ sở đó, ông Duy lưu ý các địa phương, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất. Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.
Bà Đinh Thị Thu- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Lạng Sơn: Thời tiết Lạng Sơn những ngày qua theo kiểu ngày nóng, đêm lạnh, khó bảo quản hoa quả. Mặt khác, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID-19, kiểm soát ngặt nghèo, nên mỗi ngày chỉ có 100- 200 xe hàng xuất được sang thị trường này. Lưu ý, Trung Quốc chỉ ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh 14 ngày trước Tết, còn hàng không dùng xe đông lạnh vẫn nhập. Tại diễn đàn, bà Thu đề nghị các tỉnh phía Nam xem xét, thông tin tới doanh nghiệp tạm ngừng đưa hàng lên Lạng Sơn, vì hiện tại số lượng xe container và xe tải chở nông sản, trái cây đem xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng ách tắc tại Lạng Sơn rất lớn. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin