Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan, tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
(VLO) Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan, tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit.
Qua đó, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, chúng ta cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó…
Chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19
Ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu.
Lần đầu tiên tăng trưởng quý III/2021 giảm sâu (- 6,17%), đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2- 2,5%.
Dự báo dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài. Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19.
Đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000- 2019.
Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của UNIDO tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, quá trình phục hồi kinh tế- xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện CNH, HĐH trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn, điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm;…
Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.
Trách nhiệm phục hồi kinh tế
Trước thềm Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0, đã có chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9- 18/11) tập trung xoay quanh các chủ đề, như: tư duy và cách tiếp cận mới về CNH, HĐH; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp- nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh…
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL- TP Hồ Chí Minh- Bình Dương. Ảnh: MINH THÁI |
Nhiều diễn giả trong nước và quốc tế đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách và các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế và thực hiện CNH, HĐH.
Ông Đồng Mai Lâm- Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho rằng, COVID-19 đang làm thay đổi cuộc sống.
Nhưng trước tiên chính COVID-19 khiến chúng ta nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước biến cố của tự nhiên và nó giúp chúng ta học được nhiều điều.
Đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến trình số hóa. “Chúng ta được cải thiện và thay đổi rất nhiều trong cách chúng ta sử dụng kỹ thuật số để giao tiếp với nhau, vận hành công việc, cũng như làm được rất nhiều thứ mà chúng ta phải làm tận tay”- ông Lâm cho biết.
Trong khi đó, nhiều đại biểu nước ngoài chia sẻ, chuyển đổi số trở nên quan trọng trong hoạch định chính sách công nghiệp.
Chuyển đổi kỹ thuật số trở thành nội dung hàng đầu ở tất cả các nước phát triển và đang phát triển, CNH cần coi chuyển đổi số là một bộ phận cấu thành trong chuyển đổi nền kinh tế và kết nối với nhau trong sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số và cả trong việc học hỏi về công nghệ, nâng cấp về mặt công nghiệp…
Trong khi đó, ông Toni- Chuyên gia giải pháp kỹ thuật số (Ngân hàng Thế giới WB) cho rằng, áp dụng nền kinh tế số trong các công ty và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn đang chậm, khoản đầu tư cho hạ tầng số còn thấp, cơ sở dữ liệu còn đang phân mảng cả chiều ngang và chiều dọc, những đầu vào đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thấp so với các nước khác.
Hướng đến nền kinh tế số
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
Cần có giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội bền vững sau COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số. Ảnh minh họa: Khu công nghiệp Bình Minh. Ảnh: KHÁNH DUY |
Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột, như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển…
Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh CNH, HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin