Đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, hiệu quả

07:12, 03/12/2021

Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài khu, tuyến công nghiệp cơ bản đã hoạt động trở lại theo trạng thái bình thường mới. Đây là giai đoạn cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 cũng như cần nhiều giải pháp hỗ trợ, để DN có thể đạt được trạng thái sản xuất bình thường, ổn định.

 

Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài khu, tuyến công nghiệp cơ bản đã hoạt động trở lại theo trạng thái bình thường mới. Đây là giai đoạn cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 cũng như cần nhiều giải pháp hỗ trợ, để DN có thể đạt được trạng thái sản xuất bình thường, ổn định.

Doanh nghiệp đã và đang bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh và bảo đảm phòng chống dịch. Ảnh: TL
Doanh nghiệp đã và đang bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh và bảo đảm phòng chống dịch. Ảnh: TL

Hoạt động dần ổn định

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, tính đến nay, đã có 45/47 DN hoạt động trở lại. Trong đó, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú có 25 DN, KCN Bình Minh có 18 DN, Tuyến công nghiệp Cổ Chiên- khu IV có 2 DN. Qua đó, có 33.432 lao động, tăng 7.763 lao động so với tháng 10/2021, đạt 70,44% so với tổng số lao động toàn khu, tuyến công nghiệp. Do từng bước ổn định đi vào sản xuất, tổng doanh thu đã đạt hơn 1.327 tỷ đồng, tăng 98,49%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 933 tỷ đồng, tăng 89,17% so với tháng 10.

Hiện cũng đã có 2.410/2.709 DN ngoài các khu, tuyến công nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 89% với gần 26.500/31.577 lao động đang làm việc (chiếm 83,9%).

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, việc phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Các DN đã thực hiện sàng lọc định kỳ cho người lao động. Tính từ ngày 1- 25/11/2021 có 294 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính (+), 738 trường hợp tiếp xúc gần, 3.538 trường hợp tiếp xúc xa.

Theo ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Các KCN tỉnh Vĩnh Long, tuy tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại, nhưng các DN đã từng bước thích ứng và đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho sản xuất. Nhiều DN có số lượng lao động lớn như Tỷ Xuân, Tỷ Bách đều có số người đi làm trở lại khoảng 90%. “Hiện tư tưởng của người lao động rất ổn định. Nguyên nhân là do người lao động cũng rất cần việc làm, nhà máy sản xuất thì cần công nhân. Hơn nữa, người lao động cũng cảm thấy an tâm hơn khi đã được tiêm vắc xin. Hiện tại gần như hầu hết công nhân đều đã được tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19”- ông Tài cho biết.

Bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam) cho biết, hiện tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 98% và mũi 2 là 87%. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị từng bước đi vào ổn định. Đồng thời đơn vị cũng đã lên kế hoạch định hướng cho hoạt động trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo UBND tỉnh, để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện các giải pháp tập trung hỗ trợ DN duy trì chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; kết nối với các tỉnh, thành phố để tìm nhà cung ứng nguồn nguyên liệu cho DN sản xuất trong tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ phát triển thị trường. Khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ DN các hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài nước; phát triển, khai thác hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long để hỗ trợ DN tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công thương như: Hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất thông qua triển khai chính sách hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đối với các DN chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, chế biến và bảo quản rau quả; chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021…

Doanh nghiệp đã tận dụng nhiều kênh thông tin để tuyển lao động.  Ảnh minh họa
Doanh nghiệp đã tận dụng nhiều kênh thông tin để tuyển lao động. Ảnh minh họa

Theo Ban Quản lý Các KCN, hiện tại nhiều DN tuy đã dần đi vào hoạt động ổn định nhưng cũng rất cần có sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cấp chính quyền. “Đặc biệt, hiện nay, nhiều DN kiến nghị tỉnh hỗ trợ thu hút lực lượng lao động cả trong và ngoài tỉnh, nhằm tìm kiếm nguồn lao động trở lại khi DN phục hồi sản xuất, nhất là đối với các ngành nghề yêu cầu nhiều lao động của các DN có vốn đầu tư nước ngoài”- ông Nguyễn Hữu Phúc- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Hằng, mặc dù tình hình sản xuất đã và đang đi vào hoạt động ổn định nhưng hiện đơn vị vẫn còn thiếu khoảng 500 lao động. “Nếu như năm 2022, công ty đưa vào hoạt động các xưởng còn lại theo kế hoạch, thì chắc chắn phải tuyển thêm hơn 1.500 lao động nữa. Vấn đề thiếu lao động phục vụ sản xuất hiện nay cũng là khó khăn chung chớ không riêng gì doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị các cấp chính quyền chung tay, có giải pháp hỗ trợ để bù đắp số lao động còn thiếu hiện tại cũng như bổ sung nguồn lao động khi DN mở rộng sản xuất kinh doanh…”- bà Lê Thị Hằng chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh