Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những truyền thống quý báu và là hoạt động đầy nghĩa tình của Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp. Thông qua phong trào, đến nay 9/9 hội trên cơ sở cơ bản không còn hội CCB nghèo, tỷ lệ hộ CCB khá giàu trong toàn hội là 72,1%, tăng hơn 17,2% so năm 2016.
Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những truyền thống quý báu và là hoạt động đầy nghĩa tình của Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp. Thông qua phong trào, đến nay 9/9 hội trên cơ sở cơ bản không còn hội CCB nghèo, tỷ lệ hộ CCB khá giàu trong toàn hội là 72,1%, tăng hơn 17,2% so năm 2016.
Vươn lên, giúp nhau làm kinh tế
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó lại có đông anh em, cuộc sống ông Lê Văn Út- ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) gặp khó khăn từ nhỏ. Sau thời gian đi bộ đội, năm 1985, ông xuất ngũ trở về, tài sản chỉ có chiếc ba lô và hai bàn tay trắng… Năm 1987, ông Út lập gia đình, được cha mẹ cho ra riêng với 1,5 công đất ruộng. Ông làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình nhưng vẫn túng thiếu quanh năm.
Khi tham gia công tác hội CCB, ông được anh em CCB trong ấp tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng cho đến nay. Với ý chí, bản lĩnh người lính cụ Hồ ông cho rằng: “Tự mình phải cứu lấy mình”, do đó ông quyết tâm học tập những mô hình làm ăn có hiệu quả để về áp dụng. Sau khi được hội CCB các cấp phát động phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; chi bộ, chính quyền và các cấp hội khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… đã giúp ông mạnh dạn đầu tư theo cách làm mới.
Từ số tiền dành dụm và được nhận vốn xoay vòng qua các năm, ông đầu tư nuôi bò, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp… “Mua thổ thì lời”, cứ tích cóp tiền ông mua thêm ruộng đất. Đến nay, ông có trong tay 10 công ruộng, 3 công vườn trồng dừa và 5 con bò, cho lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm. Đến năm 2020, ông cất được căn nhà trị giá 270 triệu đồng và mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình. Các con ông cũng được lo cho ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Út chia sẻ: Để vượt khó, bản thân phải cần cù, siêng năng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tham quan nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để chắt lọc về áp dụng vào điều kiện cụ thể của gia đình.
Kinh tế khá giả, với vai trò là chi hội trưởng, ông Út luôn gương mẫu giúp đỡ đồng đội gặp khó. Ông nhiệt tình hỗ trợ hội viên CCB trong ấp và bà con lối xóm thông qua việc cho mượn vốn, phương tiện sản xuất… “Nhờ chí thú làm ăn, đến nay hầu hết anh em hội viên được tôi giúp đỡ đều đã vươn lên, không còn khó khăn”- ông Út cho biết.
Đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình
Phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016- 2021 có nhiều thuận lợi nhưng cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố, riêng trong năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả nông sản thiếu ổn định… đã tác động đến đời sống và hoạt động sản xuất- kinh doanh của hội viên.
Ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhận định, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, trong đó có phong trào của Hội CCB. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất- kinh doanh bị đình trệ, trước đó một số nơi bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, đã tác động đến đời sống của nhân dân, trong đó có CCB. Kinh tế khó khăn, ít nhiều cũng làm giảm sự đóng góp, giúp nhau trong nội bộ. Tuy nhiên, phong trào vẫn duy trì tốt, hội viên ngày càng nêu cao ý thức “tự lực, tự cường”. Về phía hội, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, đã giúp cho phong trào của hội ngày càng phát triển, chất lượng hiệu quả ngày càng
bền vững.
Thông qua phong trào, Hội CCB các cấp trong tỉnh đã động viên ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cán bộ, hội viên (ảnh chụp trước khi có dịch). |
Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi thời gian qua được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là hoạt động nghĩa tình đồng đội, toàn hội đã xây dựng được hàng trăm mô hình “5+1”. Theo đó, hội vận động 5 (thậm chí là 10) CCB khá giàu giúp 1 hội viên nghèo. Đến nay, toàn hội chỉ còn 37 hộ nghèo, chiếm 0,23%.
Trong 5 năm qua (2016- 2021), toàn hội đã xóa 535 căn nhà tạm, sửa chữa 20 căn nhà cho gia đình chính sách và hội viên với tổng trị giá 26,5 tỷ đồng. Toàn hội hiện có 880 tổ góp vốn xoay vòng, 511 tổ hùn vốn tín dụng, các CLB hỗ trợ cây con giống, góp vốn sản xuất- kinh doanh không tính lãi với số tiền trên 16,2 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động có giá hàng tỷ đồng.
Từ hoạt động thực tiễn, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác do CCB làm chủ đã khẳng định được sức mạnh trên thị trường, tạo ra chuỗi sản phẩm với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người lao động, trích lợi nhuận tham gia an sinh xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Võ Văn Lùng cho biết thêm: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh hội vẫn tham mưu cho Tỉnh ủy về tổ chức các phong trào để chung tay hỗ trợ huyện Bình Tân và Tam Bình xây huyện nông thôn mới. Giai đoạn 2016- 2020, hội vận động xây mới, sửa chữa, nâng cấp 400km đường giao thông, trồng trên 50.000 cây hoa, cây cảnh trên các tuyến đường…
“Thời gian tới, hội đẩy mạnh phong trào giúp nhau giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế để nâng cao mức sống hội viên, nhất là đảm bảo giảm nghèo bền vững theo tiêu chí mới. Bên cạnh, chỉ đạo xây dựng các CLB CCB và cựu quân nhân làm kinh tế giỏi ở cơ sở với phương châm: “Hợp tác, đoàn kết, phát triển, nghĩa tình” để đưa phong trào ngày càng chất lượng, hiệu quả và bền vững”- ông Võ Văn Lùng cho biết.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin