Tình trạng ùn ứ nông sản dịp cuối năm ở các cửa khẩu giáp với Trung Quốc trong những ngày qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc sản xuất, xuất khẩu nông sản. Do đó, ngoài việc kịp thời thông tin tình hình xuất khẩu thì rất cần có giải pháp căn cơ, cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc hàng hóa nông sản cần quay trở lại khai thác tốt nhu cầu trong nước. Đồng thời nâng cao vị thế để khai phá các thị trường tiềm năng khác.
Các xe container ùn ứ tại các cửa khẩu đặt ra bài toán về mở rộng thị trường. |
Tình trạng ùn ứ nông sản dịp cuối năm ở các cửa khẩu giáp với Trung Quốc trong những ngày qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc sản xuất, xuất khẩu nông sản. Do đó, ngoài việc kịp thời thông tin tình hình xuất khẩu thì rất cần có giải pháp căn cơ, cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc hàng hóa nông sản cần quay trở lại khai thác tốt nhu cầu trong nước. Đồng thời nâng cao vị thế để khai phá các thị trường tiềm năng khác.
Đến hẹn là… ùn ứ
Hơn 10 ngày kẹt ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), anh Lê Trung (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa. Theo anh Trung, thời điểm khoảng 25/12/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ở các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma có hàng ngàn xe container ùn ứ. “Rất nhiều hàng hóa nông sản đã không chịu được thời gian bảo quản dù xe chạy lạnh suốt 24/24, gây hư hỏng, thiệt hại rất nhiều cho các chủ hàng”- anh Trung cho biết.
Cũng theo anh Trung, đợt này, khá nhiều tài xế chở hàng hóa nông sản ở Vĩnh Long cũng kẹt lại chung với nhiều nông sản của các tỉnh khác và số lượng xe, hàng hóa còn lớn hơn nhiều so mọi năm. Qua đó, rất cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 26/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng qua các tỉnh biên giới phía Bắc. “Phấn đấu giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn. Thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng lên cửa khẩu”- Phó Thủ tướng nói.
Đề cập nguyên nhân chủ quan khiến tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dịp cuối năm “đến hẹn lại lên”, ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: là do những điểm yếu cố hữu của sản xuất, xuất khẩu nông sản thời gian qua, như: sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc…
Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe, 80% trong số này là xe chở nông sản, trái cây có đặc tính dễ hư hỏng. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp thiệt hại lên tới 4.000 tỷ đồng.
Khai thác tốt các thị trường khác
Cũng phải khẳng định rằng Trung Quốc là một thị trường lớn, một “bạn hàng” lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông sản. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ nông sản có tính chất “lặp đi lặp lại” trong những năm qua đã bộc lộ được “bản chất của thị trường” này. Do đó, rất cần có những giải pháp và hướng đi khác, phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ dễ dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra, như việc ùn ứ nguồn hàng trong những ngày qua, gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp, nặng nề nhất là người nông dân.
Theo đó, cần tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác. Khai thác hiệu quả triệt để thị trường trong nước còn rất lớn và từng bước nâng cao chất lượng, vị thế hàng hóa trong nước chính là chìa khóa “mở cửa” để nông sản thoát khỏi tình trạng như hiện nay.
Một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản sấy của tỉnh Vĩnh Long cho biết, mặc dù nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cao, nhưng có thời điểm, doanh nghiệp rất khó khăn trong thu mua nguyên liệu vì phần lớn đã “xuất sang Trung Quốc”.
“Cần có những định hướng để hàng nông sản được đa dạng hóa thị trường phù hợp. Đồng thời, cần có kế hoạch lâu dài đa dạng hóa sản phẩm nông sản, phát triển hệ thống bảo quản để phù hợp với xu hướng chung toàn cầu”- doanh nghiệp này chia sẻ.
Theo thông tin của người viết, hiện Vĩnh Long có khoảng 20 container thủy sản kẹt ở các cửa khẩu phía Bắc. Tuy nhiên, do đã nắm bắt được thông tin nên hiện các doanh nghiệp đang tạm dừng vận chuyển hàng xuất khẩu.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Trung Kiên, hiện nay, ngành công thương luôn có những thông tin về thị trường xuất khẩu, nhu cầu ngành hàng của từng thị trường và kịp thời dự báo thị trường. Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi và định hướng cho mình trong việc sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích tìm kiếm khai thác các thị trường mới có tính ổn định hơn.
“Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Song, ngành công thương cũng đã có nhiều buổi giới thiệu các thị trường khác như Hoa Kỳ, EU để các doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn. Qua đó, chuẩn bị cho các bước mở rộng thị trường trong tương lai”- ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Thực tế hiện nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và có rất nhiều sự lựa chọn. Thông qua nhiều kênh ngoại giao, đối thoại của Chính phủ, các bộ, ngành để tăng cường sự lựa chọn xuất khẩu cho hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để tìm kiếm thị trường phù hợp hơn trong tương lai.
Giải quyết tình hình trước mắt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ: Ngoại giao, Công thương và các địa phương có cửa khẩu biên giới làm việc, hội đàm với phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, nhất là hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện bị ùn ứ.
Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới. Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn.
Phó Thủ tướng- Lê Văn Thành cho rằng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tìm giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân; giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa. “Người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin