Ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trồng hành lá

06:11, 16/11/2021

Cùng với khoai lang, hành lá là loại màu chủ lực của huyện Bình Tân. Tuy nhiên, nông dân (ND) còn trồng hành lá theo tập quán sản xuất truyền thống gây suy dinh dưỡng đất, phát sinh nhiều sâu bệnh. Do đó, việc triển khai ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh để nâng "chất lẫn lượng" đã được nhiều ND áp dụng.

(VLO) Cùng với khoai lang, hành lá là loại màu chủ lực của huyện Bình Tân. Tuy nhiên, nông dân (ND) còn trồng hành lá theo tập quán sản xuất truyền thống gây suy dinh dưỡng đất, phát sinh nhiều sâu bệnh. Do đó, việc triển khai ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh để nâng “chất lẫn lượng” đã được nhiều ND áp dụng.

Nông dân chủ yếu trồng hành theo lối sản xuất truyền thống.
Nông dân chủ yếu trồng hành theo lối sản xuất truyền thống.

Từ canh tác truyền thống

Theo Hội ND huyện Bình Tân, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xuống giống hơn 2.000ha hành lá, tập trung tại các xã Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh và thị trấn Tân Quới. Năng suất 2- 3 tấn/công, với giá 5.000-10.000 đ/kg, mang lại thu nhập khá cho ND.

Hành lá không kén đất và được trồng quanh năm, mùa nắng cho năng suất cao hơn mùa mưa. Do thời gian sinh trưởng 50- 60 ngày, nên ND luôn chú trọng chuẩn bị đất thật kỹ, như: phơi ráo và lên liếp cao, mặt đất cuốc tơi nhỏ, sạch cỏ dại.

Thế nhưng, theo ông Trừ Trung Tín- Chủ tịch Hội ND huyện: Đây cũng là hạn chế của vùng đất chuyên canh hành lá lâu nay. “Bởi, ND chủ yếu dùng phân hóa học NPK- tuy mau tốt, mau phát cây nhưng cũng khiến đất bị thoái hóa, nhanh bạc màu. Thành phần cơ giới đất chưa tốt, lúc tưới nước nhiều, mặt liếp dễ bị đóng váng đất, khó thấm nước hoặc giữ nước”- ông Tín cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Dùng- Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học Công nghệ), cho biết: Phần lớn hành lá được trồng theo tập quán truyền thống, chủ yếu khai thác chất đất tự nhiên kết hợp bón bổ sung phân hóa học. Lượng phân bón hóa học sử dụng hàng năm khá cao, khiến đất canh tác ngày càng suy kiệt dinh dưỡng, phát sinh nhiều sâu bệnh.

Đến ứng dụng hiệu quả giá thể hữu cơ vi sinh

Mới đây, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn về “Kỹ thuật ứng dụng hiệu quả giá thể hữu cơ vi sinh trong canh tác hành lá tại huyện Bình Tân”.

Ông Nguyễn Hữu Dùng chia sẻ: Giá thể hữu cơ vi sinh vừa bổ sung dinh dưỡng trực tiếp cho cây trồng vừa cải tạo, tăng độ màu mỡ cho đất.

Đặc biệt, trong giá thể còn có các chủng vi sinh vật có lợi có khả năng phân giải chất lân khó tiêu thành lân dễ tiêu; phân giải xenlulose từ xác bã thực vật, phụ phẩm nông nghiệp như: rễ cây rau màu, cỏ dại, rơm rạ, phân giải các chất hữu cơ chưa phân hủy, bán phân hủy có khả năng gây độc cho cây trồng trong đất thành chất hữu cơ mùn cho cây trồng sử dụng rất hiệu quả.

Mặt khác, các chủng vi sinh vật có trong giá thể cũng là nấm đối kháng có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh có trong đất, có khả năng gây bệnh hại trên cây trồng như bệnh chết cây con, thối rễ…

Sau khi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm tập huấn, phân tích lợi ích của việc sử dụng phân hữu cơ nói chung và hướng dẫn kỹ thuật ủ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh (hay còn gọi giá thể hữu cơ vi sinh) nói riêng, bà con ND rất phấn khởi và vui mừng thực hiện các bước tiếp theo để ứng dụng vào trồng hành lá.

Theo Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ, giá thể hữu cơ vi sinh hiện nay được nghiên cứu và sản xuất rất đa dạng, với nhiều chủng loại khác nhau.

Không nhất thiết phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ các nhà máy phân bón (do giá còn khá cao) mà ND có thể tự ngâm ủ phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp tại chỗ để phục vụ cho sản xuất.

Phương pháp và cách ủ phân hữu cơ vi sinh được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn thực hiện khá dễ dàng theo quy trình kỹ thuật với nguyên liệu có thể từ mùn dừa, rơm rạ sau trồng nấm, xác cỏ dại, phân gia súc gia cầm, phân dê… kết hợp chủng vi sinh vật (Trichoderma) có ích do Trung tâm sản xuất hoặc ngoài thị trường cũng có rất nhiều và đa dạng.

Ông Trừ Trung Tín cho hay: Việc ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh cũng đã triển khai ứng dụng trên một số loại rau màu khác tại huyện và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Đây là phương pháp kỹ thuật quan trọng, góp phần thay đổi thói quen sử dụng quá nhiều phân hóa học, chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân Võ Ngọc Thơ: Thời tiết mưa nắng đan xen tạo thuận lợi cho sâu hại sinh trưởng và phát triển. Trên cây hành lá, cần chú ý bệnh cháy lá (bệnh luộc lá hành) có khả năng gây hại mạnh. Các loại rau cải khác, cần chú ý biện pháp canh tác, đặc biệt là các khâu làm đất, xử lý đất, bón phân hữu cơ, quản lý nước,…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh