Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, tránh được rủi ro về tiền giả, nguy cơ bị trộm cướp… Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là cơ hội để mỗi người thay đổi thói quen: thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng, doanh nghiệp có nhiều sản phẩm về thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều tiện ích, ưu đãi. Ảnh minh họa |
(VLO) Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, tránh được rủi ro về tiền giả, nguy cơ bị trộm cướp… Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là cơ hội để mỗi người thay đổi thói quen: thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều lợi ích
Hiện nay, cùng với việc tăng cường đầu tư, đổi mới hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán như: phát triển đa dạng các loại thẻ, mở rộng mạng lưới ATM, POS và các hạ tầng khác để phục vụ thanh toán… thì các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng đang đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm khuyến mãi, ưu đãi.
Qua đó, nhằm giúp người dân giảm thanh toán bằng tiền mặt cũng như tạo ra nhiều sự chọn lựa trong việc thanh toán.
Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP tại Vĩnh Long, việc không sử dụng tiền mặt sẽ giúp cho quá trình thanh toán được nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tránh được rủi ro phát sinh về tiền giả, trộm, cướp, tiết kiệm chi phí cho người sử dụng, chi phí cho xã hội trong việc in đúc, vận chuyển, bảo quản tiền mặt…
Hiện nay, nhiều người đã thay đổi hoạt động thanh toán truyền thống sang thanh toán không dùng tiền mặt, vì nhiều lợi ích mang lại.
Chị Nguyễn Ngọc Hạnh Duyên (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết, khi chuyển sang thanh toán không qua tiền mặt cảm thấy rất thoải mái và tự tin, mình không cần phải “khệ nệ” khi phải thanh toán với số tiền lớn.
“Đặc biệt là hiện nay, các ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tiền mặt có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi có lợi cho khách hàng…”- chị Hạnh Duyên chia sẻ.
Hiện các loại thanh toán như tiền điện, nước, điện thoại, thanh toán khoản vay… đều được tích hợp vào phần mềm quản lý tài khoản cá nhân do ngân hàng cung cấp đã phần nào giúp cho người sử dụng dễ dàng thanh toán.
Anh Nguyễn Trung Luận- (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết, chỉ cần lần đầu thanh toán tiền điện, nước thì tháng sau “app” thanh toán tự động báo về số tiền cần phải trả, không cần mình phải nhận giấy báo.
“Việc phối hợp giữa các đơn vị với nhau sẽ giúp cho việc thanh toán dễ dàng, nhanh chóng và hạn chế tối đa các rủi ro.
Hiện tại, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, việc hạn chế sử dụng tiền mặt, tập trung đông người, xếp hàng đến ATM rút tiền… để chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh”- anh Luận chia sẻ.
Nên thay đổi thói quen
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hạn chế được các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa |
Có thể thấy, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để người dân chuyển từ hoạt động thanh toán truyền thống sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng TMCP chia sẻ, khó nhất hiện nay là thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Đồng thời, tuy hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển, nhưng hiện chỉ tập trung nhiều tại các đô thị, còn hạn chế ở vùng nông thôn.
“Muốn triển khai đồng loạt cho người dân, ngoài việc đơn vị cung cấp dịch vụ phải không ngừng nâng cao chất lượng thì nên có những văn bản hướng dẫn, vận động, tuyên truyền, thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt…
Đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng cho người dân. Thậm chí là tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo một số đơn vị cung cấp các dịch vụ công phối hợp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để thu các dịch vụ”- lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Khách hàng Cá nhân- Phòng giao dịch Nguyễn Huệ (Ngân hàng TMCP Quốc dân- chi nhánh Vĩnh Long), cho biết, hiện các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt có nhiều sản phẩm tốt với nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng vẫn khiến cho việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn.
“Hiện nay, đa phần người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, đây là điều kiện tốt để triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng khi được tư vấn, nhiều người vẫn còn e ngại dịch vụ, thậm chí từ chối.
Tôi cho rằng, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể xem đây là cơ hội để mọi người thay đổi dần thói quen thanh toán. Nhất là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng tất yếu của các nền kinh tế hiện nay…”- ông Nguyễn Văn Minh cho biết.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025. Mục tiêu, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin