Còn 5 dự án chưa khởi công; một số công trình chuyển tiếp và công trình vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 chưa giải ngân- là những hạn chế trong 10 tháng qua thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021.
Còn 5 dự án chưa khởi công; một số công trình chuyển tiếp và công trình vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 chưa giải ngân- là những hạn chế trong 10 tháng qua thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021.
2 tháng còn lại, theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh là “rất ngắn”, vì vậy các địa phương, chủ đầu tư cần rà soát, nắm sát tình hình thực hiện từng dự án, nguyên nhân chậm để kịp thời tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ.
Phần lớn công trình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong ảnh: Công trình đường Bờ Kênh đang khẩn trương thi công. |
Theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư công 10 tháng năm 2021 là hơn 4.300 tỷ đồng, thực hiện hơn 2.700 tỷ, đạt khoảng 62,68%; giải ngân hơn 2.600 tỷ đồng, đạt khoảng 60,65% kế hoạch (tăng 6,94% so với 9 tháng năm 2021).
Cụ thể, đối với các công trình chuyển tiếp, năm nay có 88 công trình, kế hoạch vốn hơn 2.350 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng kế hoạch vốn, giải ngân đạt 49,2%. Có 3 công trình chưa giải ngân, kế hoạch vốn là 48 tỷ đồng.
Đối với công trình khởi công mới, đã khởi công 132/137 dự án/công trình, giải ngân đạt 79,22%. Đến ngày 30/10, còn 5 dự án chưa khởi công, với kế hoạch vốn 343,1 tỷ đồng, gồm: Dự án Công viên, thể thao truyền hình huyện Trà Ôn; Công viên truyền hình huyện Bình Tân; Trung tâm Văn hóa- Thể thao truyền hình huyện Bình Tân; Dự án Đường liên xã Phú Quới- Thạnh Quới; Dự án Đường Rạch Ngay- Bờ Sao. Theo kế hoạch, 5 dự án này sẽ khởi công trong tháng 11 và 12/2021.
Trong khi đó, các dự án kéo dài thời gian năm 2020 sang 2021 giải ngân thấp, đạt 61,07%; có 24 công trình giải ngân từ dưới 80%, trong đó có 5 công trình đã đủ vốn hoàn thành không có nhu cầu giải ngân thêm.
Theo BCĐ Xây dựng cơ bản, bên cạnh nhiều nguồn vốn giải ngân đạt tỷ lệ khá như: Xổ số kiến thiết (71,89%); nguồn vốn trung ương hỗ trợ (70,88%), thì các nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn bội chi ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA giải ngân đạt thấp, dưới 60%. Mặc dù, kết quả giải ngân trong 10 tháng tăng 6,94% so với 9 tháng; song so với kế hoạch và thời gian thực hiện thì còn thấp.
Ngoài những nguyên nhân ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dự án thiết kế 2 bước, giá một số vật liệu xây dựng tăng, thì vướng thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công– dự toán, điều chỉnh dự án đối với một số dự án còn chậm; nhà thầu yếu năng lực… nên giải ngân chậm, khả năng không thực hiện hết kế hoạch vốn phải điều chỉnh giảm theo khả năng giải ngân thực tế.
2 tháng còn lại là “rất ngắn”, để đảm bảo giải ngân cả năm đạt từ 95% trở lên như kế hoạch, BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo để khởi công các dự án trong tháng 11 này. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai các dự án để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Các chủ đầu tư rà soát nắm sát tình hình thực hiện từng dự án, nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện, giải ngân chậm để chỉ đạo tháo gỡ.
Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 10 tháng mới đây, đã yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư phải tập trung khắc phục khó khăn trước thiên tai, dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng công trình/dự án, nhất là tập trung để khởi công các công trình chưa khởi công trong tháng 11 này.
Theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, đến ngày 30/10/2021, có 47 công trình chuyển tiếp giải ngân đạt dưới 70%, trong đó có 16 công trình giải ngân từ dưới 70%;13 công trình giải ngân từ dưới 50%; 15 công trình giải ngân từ dưới 30% và 3 công trình chưa giải ngân. Bên canh, còn nhiều dự án được bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoặc quyết toán dự án hoàn nhưng chưa giải ngân. |
Bài, ảnh: H. MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin