"Cẩm nang hỏi đáp Đầu tư- Kinh doanh với vùng ĐBSCL" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố, với nhiều thông tin quan trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tỉnh, thành có thêm cơ sở xác định lợi thế của địa phương mình.
“Cẩm nang hỏi đáp Đầu tư- Kinh doanh với vùng ĐBSCL” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố, với nhiều thông tin quan trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tỉnh, thành có thêm cơ sở xác định lợi thế của địa phương mình.
Phiên bản ebook của Cẩm nang được đăng tải trên link: http://vccimekong.com/vi/cam-nang-dau-tu-dbscl. |
Tài liệu hữu ích
Theo ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI Cần Thơ, sự ra đời của một bộ tài liệu mang tính tổng hợp, thân thiện và dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện cho công tác xúc tiến, đặc biệt là trong tình hình mới.
VCCI Cần Thơ và các Trung tâm Xúc tiến tại ĐBSCL cũng nhận thức rõ được những khó khăn và thách thức liên quan đến các quy trình, thủ tục hành chính phức tạp và khác biệt trong công tác đầu tư và kinh doanh ở từng địa phương. Vì vậy, VCCI Cần Thơ công bố cuốn Cẩm nang với kỳ vọng sẽ là một tài liệu quan trọng cho các doanh nghiệp tham khảo.
Cẩm nang được biên soạn theo dạng hỏi- đáp, xuất phát từ thực tế và những vấn đề thường gặp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu về cơ hội kinh doanh tại ĐBSCL.
Ấn phẩm bao gồm 7 chương, trong đó, chú trọng giới thiệu tổng quan và những lợi thế vùng ĐBSCL; Đặc trưng, lợi thế cạnh tranh và các chiến lược thu hút đầu tư của từng địa phương giai đoạn mới 2020- 2025; Lao động vùng ĐBSCL, chi phí lương trong khu vực; Chính sách ưu đãi và thuế dành cho nhà đầu tư,…
Nhiều đại biểu đánh giá cao ấn phẩm, bởi đã nêu bật được nét đặc trưng và những điểm khác biệt giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Giúp nhà đầu tư có thể xem xét đánh giá tiềm năng của mỗi địa phương, từ đó lựa chọn chiến lược kinh doanh và đầu tư phù hợp.
Ông Adam Koulaksezian- Đại diện Phòng Thương mại và Công Nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) nhận định, cẩm nang là một sáng kiến tuyệt vời. Với tiềm năng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương, ĐBSCL đã, đang và sẽ là điểm thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong những năm tới.
Chọn Vĩnh Long vì điều gì?
Trong phần Lợi thế và điểm khác biệt khi đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL, cẩm nang giới thiệu khái quát về vị trí địa lý của tỉnh Vĩnh Long là “cửa ngõ đi vào các tỉnh Tây Nam Bộ, là trung tâm của khu vực ĐBSCL”, cùng những lợi thế so sánh về giao thông đường thủy, bộ, cảng… đáp ứng nhu cầu bốc, xếp, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho nhà đầu tư.
Vĩnh Long có nguồn nguyên liệu nông nghiệp đặc trưng như: bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… năng suất hàng năm trên 530.000 tấn; vùng trồng khoai lang 400.000 tấn/năm. Du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế tiềm năng của tỉnh, mang đặc thù sinh thái, sông nước, kinh rạch, miệt vườn gắn với làng nghề truyền thống…
Những điểm nổi bật của Vĩnh Long là: Có môi trường kinh doanh tốt trong khu vực ĐBSCL, thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm trở lại đây, là tỉnh nằm trong top đầu ĐBSCL và cả nước. Vĩnh Long còn là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở ĐBSCL.
Bên cạnh, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của phương pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với công tác chăm sóc, hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án đang hoạt động, triển khai nhằm duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn.
Cẩm nang cũng nêu bật các định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Vĩnh Long. Trong đó, phấn đấu tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn phát triển mạnh công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp phát huy lợi thế so sánh để phát triển du lịch.
Tiếp theo là, phát huy nội lực, thu hút từng bước hiện đại, trọng tâm là hạ tầng đô thị, giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; gắn phát triển nông nghiệp và du lịch trong quan hệ tổng thể với các tỉnh trong ĐBSCL và tiểu vùng Mekong mở rộng phát triển các đô thị thành trung tâm hạt nhân thúc đẩy phát triển các tiểu vùng trong tỉnh.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động đào tạo chuyên gia về công nghệ, quản lý doanh nghiệp tạo lập môi trường để thu hút nhân lực chất lượng cao về địa phương làm việc. Đồng thời, phát triển kinh tế- xã hội gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đa mục tiêu, hiệu quả và phát triển bền vững.
“Với định hướng nêu trên và vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng cùng với phương châm “một cửa, tại chỗ”, thân thiện, thông thoáng, minh bạch và tinh thần hợp tác, phát triển bền vững, chắc chắn Vĩnh Long sẽ là nơi lựa chọn đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”- nhận định được cẩm nang đúc kết.
Bài, ảnh: AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin