Năm 2020 và năm 2021, TP Vĩnh Long được Trung ương và tỉnh đầu tư nhiều dự án trọng điểm và dự án ODA. Do các dự án triển khai đồng loạt, số hộ bị ảnh hưởng tới trên 2.500 hộ, nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2020 và năm 2021, TP Vĩnh Long được Trung ương và tỉnh đầu tư nhiều dự án trọng điểm và dự án ODA. Do các dự án triển khai đồng loạt, số hộ bị ảnh hưởng tới trên 2.500 hộ, nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp nhiều khó khăn.
Cầu Cái Cam 2 đoạn qua phường Trường An đang được thi công. |
23 công trình, 550 hộ chưa bàn giao mặt bằng
Đường Võ Văn Kiệt đoạn qua phường Trường An có 142 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Theo đó, 114 hộ đã bàn giao mặt bằng, đạt hơn 80%. Trong đó, phần cầu Cái Cam 2 có 49 hộ bị ảnh hưởng. Cụ thể, phía phải hương lộ Trường An hướng từ UBND phường Trường An vào có 26 hộ bị ảnh hưởng- đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Phía trái hương lộ Trường An có 23 hộ bị ảnh hưởng thì 11 hộ đã bàn giao mặt bằng, 12 hộ chưa bàn giao. Đã tổ chức vận động 6 cuộc nhưng vẫn còn 10 hộ chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng (yêu cầu cấp nền tái định cư, xin mua nền tái định cư).
Ngày 30/9/2021, bà Đinh Thị Hồng- Chủ tịch UBND phường Trường An đã công bố các quyết định của UBND thành phố về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng công trình đường Võ Văn Kiệt đoạn qua phường Trường An (phần cầu Cái Cam). Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất từ 26- 29/10/2021. Tại buổi công bố quyết định, có 3 hộ thống nhất bàn giao mặt bằng. Hộ còn lại trình bày: “Từ trước đến nay, gia đình chấp hành hết. Nhưng vì quyền lợi gia đình, tôi mong được cấp nền thì mới bàn giao mặt bằng”.
Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cùng ban ngành, đoàn thể đã tiếp tục vận động các hộ này. Ông Quốc Duy nói: “Qua các lần vận động, đối thoại thì thành phố đã xem xét hoàn cảnh và các nguyện vọng của gia đình. Hiện đã xem xét vận dụng hết mức các chế độ chính sách vào bồi hoàn GPMB nên mong các gia đình chấp hành”.
Công trình đường Võ Văn Kiệt đoạn qua Phường 9, Trường An, Tân Ngãi do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) tỉnh làm chủ đầu tư là 1/23 công trình đang thực hiện tại TP Vĩnh Long. Trong đó, 15 công trình được thực hiện bởi nguồn vốn ngân sách, 8 công trình thực hiện bởi nguồn vốn vay (ODA). Theo đó, 16 công trình đã thực hiện bồi thường, 2.326/2.567 hộ bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi thường (gần 91%) với số tiền khoảng 1.279/1.422 tỷ đồng (gần 90%), 2.017/2.567 hộ đã bàn giao mặt bằng (gần 79%). Theo đó, còn 241 hộ chưa nhận tiền bồi thường, 550 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Thiếu quỹ đất tái định cư
Theo UBND thành phố, các dự án triển khai đồng loạt, số hộ bị ảnh hưởng GPMB lớn nên công tác kiểm đếm, lập phương án và thẩm định phương án bồi thường “quá tải” dẫn đến ảnh hưởng tiến độ GPMB một số công trình. Bên cạnh, việc trình xin hỗ trợ khác (bao gồm hỗ trợ bồi thường và bố trí tái định cư) phải thực hiện từng dự án, từng trường hợp cụ thể, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các ban ngành để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định nên cũng ảnh hưởng tiến độ GPMB.
Cũng theo UBND thành phố, khiếu nại của các hộ dân chủ yếu về giá đất bồi thường, xin mua nền tái định cư, một số hộ còn tranh chấp chờ tòa giải quyết cũng ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, do dự án ODA mới thực hiện lần đầu trên địa bàn, một số chính sách của Ngân hàng Thế giới có khác so chính sách trong nước nên trong thực hiện còn lúng túng, bị động.
Lãnh đạo UBND TP Vĩnh Long cùng các ban ngành, đoàn thể tại một buổi vận động các hộ dân chấp hành bàn giao mặt bằng. |
Đáng nói, hiện quỹ đất tái định cư còn thiếu. Một số hộ không đủ tiêu chuẩn bố trí tái định cư nhưng có nhu cầu mua, nên thành phố chưa giải quyết được. Số nền tái định cư dự kiến bố trí khoảng 826 nền. Như vậy, với số nền tái định cư hiện có là 84 nền, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 742 nền mới đáp ứng được tái định cư cho những người bị thu hồi đất. Đồng thời, nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do đang ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài, do chủ sử dụng đất đã chết nhưng chưa có văn bản thỏa thuận, thủ tục thừa kế.
Sắp tới, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập phương án, thẩm định, phê duyệt các dự án mới. Đối với những dự án đã thực hiện chi trả bồi thường thì phân từng nhóm đối tượng để vận động và vận động liên tục nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Đồng thời, sớm triển khai các dự án xây dựng khu tái định cư để kịp thời bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Quốc Duy mong muốn: “Thành phố có nhiều công trình đang triển khai, số hộ bị ảnh hưởng GPMB lớn nên mong các hộ gia đình có sự chia sẻ, chấp hành tháo dỡ, di dời theo quy định để bàn giao mặt bằng, sớm thi công các công trình nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của thành phố”.
Theo báo cáo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, tính đến đầu tháng 10/2021, đã tiếp nhận 159 đơn yêu cầu (nâng giá bồi thường đất, nhà, vật kiến trúc, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, tái định cư...). Theo đó, đã tham mưu UBND thành phố trả lời bằng văn bản 101 đơn, còn 58 đơn Trung tâm Phát triển quỹ đất ban hành văn bản trả lời. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin