Tập trung nhóm giống chất lượng, giảm giá thành, trữ nước phục vụ sản xuất, tăng cường liên kết… là những giải pháp Bộ Nông nghiệp- PTNT đặt ra để sản xuất vùng ĐBSCL đạt thắng lợi vụ lúa Đông Xuân tới, trong tình hình mới.
Các địa phương cần chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo. |
Tập trung nhóm giống chất lượng, giảm giá thành, trữ nước phục vụ sản xuất, tăng cường liên kết… là những giải pháp Bộ Nông nghiệp- PTNT đặt ra để sản xuất vùng ĐBSCL đạt thắng lợi vụ lúa Đông Xuân tới, trong tình hình mới.
Sản xuất cơ bản đạt chỉ tiêu
Theo Cục Trồng trọt, sản xuất vụ Thu Đông, mùa 2021 chịu ảnh hưởng của tình hình dịch COVID- 19, mực nước lũ ở vùng ĐBSCL thấp. Theo dự báo tình trạng khô hạn, nước mặn xâm nhập cuối vụ sẽ diễn biến phức tạp, khó lường trong sản xuất Đông Xuân 2021- 2022. Theo đó, công tác triển khai sản xuất vụ Thu Đông, mùa 2021 tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã được tiến hành sớm và có nhiều giải pháp chỉ đạo kịp thời, thích ứng với tình hình dự báo lũ. Điều kiện thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho sản xuất trồng trọt, các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, cây công nghiệp đều phát triển tốt, ít dịch hại, năng suất cao, chất lượng tốt. Đến nay sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2021 các tỉnh Nam Bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Cũng theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, công tác dự tính dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản biến động và có một vài thời điểm đứt gãy do diễn biến dịch COVID- 19, một số mặt hàng nông sản có lúc gặp khó khăn trong tiêu thụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, liên kết chuỗi sản xuất chưa bền vững, gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp và người nông dân chưa thống nhất nhau để thương thảo giải quyết khi giá thị trường biến động lên hoặc xuống,…
Tại Vĩnh Long, diện tích xuống giống Thu Đông năm nay đạt 46.500ha, giảm 4,6% so vụ Thu Đông trước. Dịch bệnh giảm nhiều, không gây hại nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất, sản lượng cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản từ tháng 7- 9 có nhiều dao động, do dịch bệnh phức tạp và kéo dài đã khiến người dân e ngại mua sắm, sức mua nông sản giảm mạnh, một số nông sản không xuất khẩu được (khoai lang tím) dẫn đến giá giảm mạnh. Trong đó, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp như mít, thanh long, cải xoong, diếp cá… rớt giá thấp, nông dân thua lỗ. Đồng thời, đã tác động đến tiến độ triển khai các chương trình dự án, việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều trở ngại.
Chú ý chất lượng giống, giảm giá thành sản xuất
Theo Cục Trồng trọt, để vụ Đông Xuân đạt kết quả, các tỉnh ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại. Tiếp tục chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “Cánh đồng lớn”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Tỉnh sẽ triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện thắng lợi sản xuất cây trồng năm 2022. Đối với những vùng bị ảnh hưởng lũ hoặc xâm nhập mặn, sẽ xây dựng và điều chỉnh linh hoạt thời vụ phòng chống kết hợp né rầy. Thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản, các nông sản xuất khẩu sản lượng lớn. Song song đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, bố trí thời vụ sản xuất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch vùng giống cây trồng theo định hướng của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Thời gian qua, trong điều kiện vô cùng khó khăn do dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã đạt một số thắng lợi, riêng trồng trọt khó khăn nhất nhưng trong quý III lại tăng cao nhất: 3,3%. Sau 9 tháng, ngành trồng trọt tăng 29% so cùng kỳ, ngoài thắng lợi vụ lúa ở các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ cũng đạt rất tốt. Sản lượng lúa năm nay đạt trên 43,3 triệu tấn cao hơn cả năm 2020, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu vẫn đảm bảo tốt.
Cần tập trung nhóm giống lúa chất lượng để xuất khẩu, giống đặc sản. |
Với nhiệm vụ triển khai vụ Đông Xuân, Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương muốn đẩy mạnh sản xuất vẫn phải bảo đảm an toàn; đồng thời thống nhất thời vụ xuống giống sớm cho vụ Đông Xuân, đặc biệt với khoảng 400.000ha ở các tỉnh ven biển để không xảy ra rủi ro. Tập trung nhóm giống chất lượng, đảm bảo xuất khẩu, đặc sản, lúa thơm, có phân khúc thị trường rộng hơn.
Toàn vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL sản xuất lúa cả năm 2021 ước đạt hơn 4 triệu héc ta, giảm 58.700ha; năng suất ước đạt 61,8 tạ/ha và sản lượng ước đạt trên 25,7 triệu tấn, tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ. Diện tích lúa năm 2021 vùng Nam Bộ giảm do chuyển đổi cây trồng và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn. Thực hiện cánh đồng lớn vùng ĐBSCL, vụ Thu Đông 2021 đạt gần 93.500ha, bằng 66,7% so với các vụ trước đây (trước đây ổn định ở 140.000- 150.000ha). |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin