Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế?

02:10, 23/10/2021

Đầu tháng 10/2021, TS. Lê Minh Chí- Phó Phòng Kinh tế- Ngoại vụ (Văn phòng UBND tỉnh) hoàn thành nghiên cứu Kế hoạch phục hồi kinh tế Vĩnh Long. Với góc nhìn khoa học, trên cơ sở học thuyết Keynes và thực tế của tỉnh Vĩnh Long trong tình hình dịch COVID-19, nghiên cứu của ông đã thu thập dữ liệu tại 50 doanh nghiệp (DN) có từ 100 lao động trở lên, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp.

(VLO) Đầu tháng 10/2021, TS. Lê Minh Chí- Phó Phòng Kinh tế- Ngoại vụ (Văn phòng UBND tỉnh) hoàn thành nghiên cứu Kế hoạch phục hồi kinh tế Vĩnh Long. Với góc nhìn khoa học, trên cơ sở học thuyết Keynes và thực tế của tỉnh Vĩnh Long trong tình hình dịch COVID-19, nghiên cứu của ông đã thu thập dữ liệu tại 50 doanh nghiệp (DN) có từ 100 lao động trở lên, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp.

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long về kết quả nghiên cứu, TS. Lê Minh Chí cho biết:

Theo diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Theo đó, các DN tạm dừng hoạt động, đối với các DN được tiếp tục hoạt động cũng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Qua khảo sát DN có trên 100 người lao động, đến 40% DN được hỏi đã giảm từ 75- 100% doanh thu, 20% DN giảm từ 50- 75%, 33% DN giảm 25- 50%. Chỉ có 6,7% DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đó cho thấy, tình hình DN và kinh tế của tỉnh Vĩnh Long sau dịch dự báo sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

* Những khó khăn nhất mà DN hiện phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Qua khảo sát, phần lớn các DN gặp khó khăn về lao động, chi phí, logistics và tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP…

* Từ thực tế khảo sát, ông đưa ra đề xuất giải pháp nào cho Vĩnh Long trong giai đoạn hậu COVID-19?

- Trên cơ sở kết quả khảo sát về nhu cầu của DN, vận dụng học thuyết của Keynes và dựa trên nguồn lực hiện có của tỉnh Vĩnh Long, nghiên cứu đã đề xuất nhóm giải pháp gồm 3 trụ cột chính, là: Chính sách Trung ương, giải pháp địa phương và giải pháp y tế. Đối với nhóm giải pháp của tỉnh Vĩnh Long sẽ được chia 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn giải cứu (từ 6- 12 tháng):

Thứ nhất, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Để đầu tư công là cú hích cho thị trường thì trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Long cần tập trung ưu tiên cho giải ngân, không chỉ giải ngân đạt kế hoạch mà nhiệm vụ phải tập trung đưa vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 vượt kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn.

Tuy nhiên, trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ, thì cần một giải pháp cũng chưa từng có tiền lệ, các quy định, cơ chế về đầu tư công là rào cản để thực hiện giải pháp tỉnh cần tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới nhằm phục hồi kinh tế.

Thứ hai, khuyến khích mọi hình thức đầu tư ngoài ngân sách, thu hút tiền nhàn rỗi trong dân để đầu tư và tiêu dùng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm là 9.460 tỷ đồng, đạt 61,43% kế hoạch vốn, riêng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước chiếm 62,33%, giảm 10,1% so với cùng kỳ, qua đó cho thấy áp lực đưa vốn đầu tư còn lại ra ngoài xã hội cho giai đoạn đến cuối năm trong bối cảnh các DN bị sụt giảm doanh thu là rất khó khăn.

Để bù đắp khoản đầu tư có khả năng thiếu hụt này từ đây đến cuối năm 2021, nghiên cứu đề xuất tỉnh nên tập trung khuyến khích đầu tư nhỏ lẻ từ người dân, do đó các chính sách đưa ra cũng nằm trong khuôn khổ hỗ trợ đầu tư ở các DN nhỏ, siêu nhỏ và đầu tư xây dựng ở người dân. Bên cạnh khẩn trương thúc đẩy các dự án trọng điểm.

Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng là một trong những giải pháp tỉnh Vĩnh Long có thể thực thi được nhằm khuyến khích tiêu dùng của người dân.

Thứ ba, tập trung giải ngân, hỗ trợ các chính sách cho người lao động, DN

Tăng thu nhập, tăng việc làm của người dân đó là giải pháp tăng tiêu dùng, và kích thích sản xuất. Vấn đề đặt ra là lao động có việc làm không thể phát sinh ngay lập tức khi các nhà máy, DN giảm quy mô, do đó chúng ta đừng xem các chính sách hỗ trợ người lao động, DN theo Nghị quyết 68/NQ-CP… chỉ đơn thuần là chính sách an sinh xã hội, mà còn là chính sách tài khóa và vấn đề là tỉnh Vĩnh Long cần sử dụng tốt công cụ này.

Thứ tư, kết nối, đào tạo hỗ trợ nhu cầu lao động cho DN

Người lao động thời gian tới dự kiến không phải là khan hiếm hoặc khó khăn, do bản chất đã tồn tại theo quy mô kinh tế địa phương, thậm chí nghiên cứu cho rằng nguồn lao động sẽ dồi dào hơn do sự dịch chuyển lao động từ các thành phố lớn trở về địa phương (tỉnh Vĩnh Long có tỷ lệ di cư ra khỏi địa phương cao ở khu vực ĐBSCL, với tỷ suất di cư thuần giai đoạn 2016– 2020 là âm 4,3%).

Do đó, trong ngắn hạn tỉnh cần có giải pháp kết nối nguồn lao động này cho DN, bù lại số lao động ngoài tỉnh chưa thể trở lại
làm việc.

* Trong dài hạn thì sao, thưa ông?

- Ở giai đoạn phục hồi, cần từ 1- 2 năm, đề xuất tập trung vào: (1) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin, (2) Đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ, (3) Tìm kiếm thị trường xuất khẩu, (4) Khởi động dự án hạ tầng giao thông mang tính kết nối. Trong đó, đối với giải pháp về đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ, có thể nhìn thấy cơ hội trong nguy cơ dịch COVID-19.

Vì những hạn chế về di chuyển, các DN có xu hướng phải sử dụng lao động tại chỗ để hạn chế rủi ro và do đó sẽ có “áp lực” để đào tạo lao động có tay nghề, chuyên gia và chuyển giao công nghệ cho người lao động địa phương.

Nếu theo xu hướng của dự báo, rõ ràng ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cần phải “vẽ đường để hưu chạy” bằng các giải pháp, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động có tay nghề cao, chuyên gia.

Cùng với đó, để chuẩn bị cho câu chuyện tái phục hồi hay phát triển kinh tế trong tình hình dịch COVID-19, trụ cột về y tế tiếp tục có vai trò rất quan trọng mà tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển. Đó không chỉ là vấn đề cơ sở vật chất, mà còn là đòn bẩy thu hút nguồn nhân lực cho Vĩnh Long.

* Vâng, từ những phân tích trên đây, ông kỳ vọng điều gì từ Kế hoạch phục hồi kinh tế Vĩnh Long qua nghiên cứu này?

- Nhìn chung, các giải pháp nghiên cứu đưa ra dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu DN, nguồn lực hiện có của tỉnh và các lý thuyết về phát triển kinh tế. Thực tiễn có thể phát sinh những vấn đề mới ngoài kết quả khảo sát và các nội dung đề xuất, nhưng nghiên cứu này hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ vào kế hoạch phục hồi kinh tế của tỉnh Vĩnh Long sau dịch COVID-19.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ.

TRẦN PHƯỚC- THẢO LY (Thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh