Hiện toàn tỉnh đã có 2.111/3.272 doanh nghiệp (DN) đã hoạt động lại và nỗ lực khôi phục sản xuất. Nhưng DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hỗ trợ để DN có thể khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Ảnh minh họa |
Hiện toàn tỉnh đã có 2.111/3.272 doanh nghiệp (DN) đã hoạt động lại và nỗ lực khôi phục sản xuất. Nhưng DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hỗ trợ để DN có thể khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Khởi động lại trong khó khăn
Theo UBND tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh (cả trong và ngoài khu công nghiệp) có 2.111 DN hoạt động trở lại với 49.686 lao động. Các DN đang nỗ lực để khôi phục sản xuất theo quy mô ban đầu. Riêng trong các khu, cụm, tuyến công nghiệp có 45/47 DN đã hoạt động lại, chiếm 95,74% tổng số DN. Số lao động đang làm việc là 27.516 người, đạt 59,68% tổng số lao động.
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, các tổ công tác sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra và thẩm định các phương án của các DN. Đồng thời, hỗ trợ DN trong công tác phòng chống dịch bệnh và phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các trường hợp còn vướng mắc tại các DN, đảm bảo phương châm vừa chống dịch vừa hoạt động.
Công ty TNHH BoHsing Vĩnh Long hiện đang có khoảng 90% công nhân đang làm việc hối hả với những lô hàng gấp. Đa số là công nhân trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Lê Minh Nhựt- Phó Phòng Nhân sự của công ty cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giao hàng, đơn vị sẽ tiếp tục tuyển thêm lao động, mở rộng sản xuất với phương châm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Thành Tài- Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp Vĩnh Long cho biết, gần 100% DN trong các khu, tuyến công nghiệp đã hoạt động với phương án “2 tại chỗ- 1 vùng xanh”. Riêng tại Công ty Tỷ Xuân đã có 50% công nhân trở lại lao động và đều đã được tiêm vắc xin mũi 1.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, đại dịch COVID- 19 tác động tiêu cực đến kinh tế dù DN vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp nhưng vẫn bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Tổng vốn đầu tư công đầu năm 2021 đến nay đạt trên 4.320 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 420 triệu USD (gần 70% kế hoạch và tăng 6,86% so cùng kỳ).
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp- thủy sản khá ổn định là nền tảng, bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện sản xuất công nghiệp và thương mại chịu tác động mạnh và giảm sâu. Ngoài ra, tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 9 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.521 tỷ đồng. Năm 2021, dự tính GRDP của tỉnh cũng sẽ tăng khoảng 1,42%.
Cũng theo ông Lữ Quang Ngời, dịch bệnh ở Vĩnh Long cơ bản đã được kiểm soát, hiện các DN trong khu, tuyến công nghiệp cơ bản trở lại hoạt động. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Các khu công nghiệp và ngành y tế xây dựng phương án sản xuất an toàn trong bối cảnh hiện nay.
Xây dựng vùng an toàn trong DN
Theo UBND tỉnh, khi xây dựng các giải pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt là cơ chế quản lý kiểm soát dịch trong điều kiện bình thường mới, triển khai thực hiện thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Kích thích tiêu dùng, phục hồi sản xuất, lưu thông để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung và cầu. Ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho rằng, điều DN cần nhất hiện nay để khôi phục sản xuất là được “tiếp tục hoạt động trong điều kiện bình thường”.
Việc tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh sẽ là cơ sở cho DN sản xuất trong điều kiện bình thường mới, các vướng mắc về chi phí trong phòng chống dịch, lưu thông hàng hóa dần được tháo gỡ. Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ có giải pháp hỗ trợ kết nối nhu cầu giữa DN và các ngân hàng thương mại. Đối với việc hỗ trợ DN tuyển dụng người lao động, tỉnh sẽ xem đây là một nội dung quan trọng để giúp DN có đủ nguồn nhân lực để hoạt động trở lại.
“Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, phải đảm bảo phương châm “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng vùng xanh an toàn, hỗ trợ hướng dẫn tự thực hiện các quy trình xét nghiệm đánh giá nguy cơ để đảm bảo vừa tiết kiệm, vừa xây dựng được vùng an toàn trong DN”- ông Lữ Quang Ngời chia sẻ. Cùng với đó, các giải pháp thích ứng an toàn phải thật sự linh hoạt, có tác động kích thích đầu tư, kích thích tiêu dùng để phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết, các giải pháp trong thời gian tới sẽ xoay quanh 3 nội dung chính: Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách, hỗ trợ của Trung ương đến người dân và DN. Thứ hai, nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ theo dõi nguồn lực của địa phương, tập trung tháo gỡ về cơ chế và cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ DN. Thứ ba, thực hiện tốt các giải pháp về y tế, đánh giá tốt tình hình theo từng giai đoạn để thực hiện phương châm sản xuất phải an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin