Ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chậm, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát,… khiến nhiều mặt hàng nông sản, trái cây liên tục gặp khó đầu ra. Làm thế nào để gỡ khó?
Chỉ khi có liên kết, tham gia tổ chức sản xuất, đầu ra cho nông sản mới có thể ổn định hơn. |
(VLO) Ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chậm, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát,… khiến nhiều mặt hàng nông sản, trái cây liên tục gặp khó đầu ra. Làm thế nào để gỡ khó?
Giá giảm, nông dân thua lỗ
Từ tháng 5 đến nay do dịch COVID- 19 phức tạp, đã ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu trái cây, nhưng tình hình tiêu thụ một số thời điểm gặp khó khăn, giá thu mua thấp, giảm 20- 50% so với cùng kỳ.
Đã có lúc, thanh long 2.000- 5.000 đ/kg, chôm chôm 6.000- 7.000 đ/kg, nhãn Idor 8.000- 10.000 đ/kg, nhãn xuồng cơm vàng 10.000- 15.000 đ/kg,…
Bên cạnh việc thị trường tiêu thụ ảm đạm khiến thương lái giảm thu mua, thì việc vận chuyển giữa các tỉnh- thành cũng gặp khó khăn. Không chỉ vậy, chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động,… cũng tăng mạnh, khiến nông dân (ND) thất thu.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn trong tỉnh cũng bày tỏ khó khăn khi thị trường tiêu thụ vẫn còn giảm đáng kể, nhất là ở các chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Chú Nguyễn Văn Trí (thị trấn Cái Nhum, Mang Thít), cho hay: “Mấy tháng nay, trái cây nào cũng rẻ. Hiện 2 công mít Thái đã đến thời điểm thu hoạch nhưng thương lái mua rất chậm, mà để lâu là trái hư, giảm chất lượng, phải cho cá ăn”.
Một số thương lái cho biết, khi đến địa phương cần có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, cũng là tăng thêm chi phí nên giá mua tại vườn cũng phải thấp hơn so với trước.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, một số ND đã chủ động kết nối qua kênh online, sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, nhiều người gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý thông tin giao dịch, vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, ND đã thực hiện tốt việc rải vụ đối với cây ăn trái nhằm tạo điều kiện tốt cho tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất đạt cao hơn.
Việc sản xuất theo GAP, an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, trong 3 tháng vừa qua, tình hình tiêu thụ trái cây giảm, giá thấp, ND thua lỗ nặng.
Liên kết để ổn định đầu ra
Người dân cần chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái phù hợp, tránh chạy theo phong trào. |
Có thể thấy, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến thị trường tiêu thụ nông sản. Song, theo các chuyên gia kinh tế, không thể “đổ thừa” chỉ vì dịch bệnh mà khó tiêu thụ, bởi điệp khúc “được mùa mất giá, dội chợ” vẫn thường xảy ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gặp khó đầu ra còn do ND sản xuất nhỏ lẻ, không liên kết.
Khi không tham gia vào một tổ chức thì chi phí sản xuất sẽ cao hơn, phải mua vật tư giá cao, sản phẩm bán giá thấp vì không tận dụng được “quyền đàm phán” khi mua bán.
Đó là chưa kể việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ dẫn đến việc khó áp dụng quy trình sản xuất hoặc các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.
Theo ngành chức năng, hiện nay thị trường tiêu thụ cũng khắt khe hơn. Ngay thị trường Trung Quốc, từ trước đến giờ được xem là “dễ tính”, thì nay đã yêu cầu nông sản phải có mã số vùng trồng để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Để giải quyết bài toán đầu ra, ngoài sự nỗ lực của ND, thời gian qua, ngành chức năng cũng tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ, điều phối lưu thông hàng hóa, hạn chế tình trạng tồn đọng. Tuy nhiên, con số chưa tiêu thụ được cũng còn khá nhiều.
Do đó, về lâu dài, ND cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP và hơn hết là cần phải đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Chỉ khi đó, ND mới có thể liên kết với doanh nghiệp, tạo được chuỗi sản xuất thì mới tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Đồng thời, ngành chức năng cũng khuyến cáo ND cần chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái phù hợp, tránh tình trạng chạy theo phong trào, dẫn đến nguồn cung vượt cầu.
Cần quan tâm nguồn giống sạch bệnh, trồng đúng kỹ thuật để hạn chế chi phí đầu tư, tránh thua lỗ khi thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và các chương trình xúc tiến thương mại nông sản; truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng,… nhằm đáp ứng tốt cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 59 mã số vùng trồng cây ăn trái với trên 730ha (thanh long 19 mã số, trên 78ha; bưởi 12 mã số, trên 129ha; chôm chôm 12 mã số, trên 248ha; nhãn 7 mã số, gần 182ha; xoài 6 mã số, trên 89ha; chanh, mít, dưa hấu: mỗi loại 1 mã số) và 6 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài: Hoa Kỳ, EU, Úc, NewZealand, Trung Quốc,… |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin