Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phê duyệt vào thời gian tới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới một nền nông nghiệp xanh. Trong đó, hợp tác và liên kết là chủ đạo- "mô hình" này được xem chưa bao giờ cũ!
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phê duyệt vào thời gian tới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới một nền nông nghiệp xanh. Trong đó, hợp tác và liên kết là chủ đạo- “mô hình” này được xem chưa bao giờ cũ!
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị tạo cơ hội đưa nông sản vào hệ thống phân phối lớn. |
Chuyển hướng chiến lược nông nghiệp
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn. Để triển khai định hướng này, ngành nông nghiệp xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái hay mất đi đa dạng sinh học; phải làm sao để chất lượng nông sản không phải là do yêu cầu thị trường mà là nhu cầu của người sản xuất.
Tại ĐBSCL, Nghị quyết 120 về phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng của khu vực thích ứng biến đổi khí hậu được xem là nghị quyết “vàng”, “thuận thiên”, thúc đẩy kinh tế toàn vùng liên tục đạt mức tăng trưởng cao sau 3 năm thực hiện. Năm 2018 đạt 7,8%, năm 2019 đạt 7,22%.
Năm 2020 trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực GRDP đạt 2,38% góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương trong năm. Để có kết quả này, trong giai đoạn 2016- 2020, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước dành gần 200 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 16% (giai đoạn trước chỉ khoảng 12%) tổng đầu tư toàn quốc từ ngân sách nhà nước.
Ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL đã tập trung xử lý các yếu tố nội tại của vùng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ. Với 3 ngành chủ lực là thủy sản, trái cây và lúa gạo, đề án cơ cấu lại nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đặt mục tiêu rất cụ thể.
Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, tôm, cá tra tăng thêm khoảng 300.000ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha kết hợp chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản. Đối với trái cây, sẽ tập trung phát triển theo nhu cầu thị trường, nâng giá trị với 10 loại trái cây chủ lực là: xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm.
Đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000ha, đưa tổng diện tích vườn lên khoảng 680.000ha. Ngành lúa gạo, giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước.
Giảm diện tích trồng là một trong biện pháp hữu hiệu nhất. Điều này được chứng minh trong vụ Đông Xuân 2020- 2021 vừa qua, khi toàn vùng chỉ gieo sạ hơn 1,51 triệu ha, giảm khoảng 30.000ha. Trong đó, Tiền Giang giảm 6.000ha, Trà Vinh 2.000ha, Vĩnh Long giảm 5.000ha (do chuyển đổi cây trồng)...
Đồng thời, nhờ “kinh nghiệm” ứng phó hạn mặn và sự chủ động mọi mặt tìm đầu ra nông sản trước đại dịch COVID- 19 nên vụ lúa này đã thắng lợi kép, với “3 cái được”: được mùa, được giá và được tiêu thụ dễ dàng.
Nông nghiệp thích ứng và liên kết là xu thế
Nếu trước đây là hạn, mặn thì nay dịch COVID- 19 sẽ thêm những thách thức lớn cho nền nông nghiệp ĐBSCL trước định hướng phát triển bền vững. GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng, triền miên khó khăn của nông dân là đầu ra cho nông sản, không thể nào mãi giải cứu. Trong quy hoạch lại tới đây của vùng cần định hướng từng vùng, từ đó kết hợp lại nông dân với nông dân thành tổ, hợp tác, có đầu ra, để chuỗi đó sẽ thay thế. Các tỉnh ĐBSCL không nên cứ chạy theo trồng lúa để xuất khẩu, để nông dân không có lời trong khi Nhà nước phải đầu tư quá nhiều.
Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ)- cho rằng, cần xem lại quy trình canh tác sản xuất ngành hàng lúa gạo hiện nay, bởi công ty là người tiên phong thực hiện liên kết, trong khi cả vùng ĐBSCL là chưa được 10%. Muốn không bị động nữa thì chất lượng lúa gạo phải nâng lên. Trong đó, phải giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, thương hiệu, đảm bảo sức khỏe, giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tại Vĩnh Long, đã chứng minh điều này trong vụ lúa Đông Xuân vừa qua, khi nông dân tự nguyện đăng ký thực hiện liên kết với Công ty Lộc Trời hơn 870ha, với giá lúa chốt bán dao động từ 6.650- 6.920 đ/kg. Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, việc liên kết tiêu thụ bước đầu mang lại hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong khi đó, từ sự chao đảo, mất cân bằng cho sản xuất- kinh doanh trong dịch COVID- 19, cần phải xem lại tư duy liên kết vùng, tính hệ thống của vùng. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan, sự lúng túng thể hiện ở việc chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh- thành ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt theo địa giới hành chính.
ĐBSCL cần hướng tới một nền nông nghiệp xanh. |
Vì vậy, trong định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, xoay quanh 3 trụ cột là “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”, các địa phương ĐBSCL cần tiến tới thành lập hiệp hội ngành hàng, thiết lập cơ sở dữ liệu, chỉ đạo chuyển vụ, luân canh, xen canh thay đổi cây trồng tiết kiệm nước phù hợp tình hình.
Đồng thời, vận động nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại lấy giá trị làm mục tiêu phấn đấu; cơ cấu lại sản xuất nông sản để không còn rơi vào cảnh rủi ro thị trường như vừa qua. Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải coi ngành nông nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt các yếu tố văn hóa, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu.
Chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh”; cần chuyển từ tư duy số lượng, sản lượng sang tư duy chất lượng, tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp. Thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn, góp phần giải bài toán “ly nông, không ly hương” vừa qua.
Liên kết thực hiện liên kết cánh đồng lớn trên cây lúa của vùng Nam Bộ, cũng như ĐBSCL nói riêng đạt nhiều kết quả. Gieo sạ ước đạt khoảng 160.000ha; diện tích bao tiêu sản phẩm đạt 190.000ha. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi hecta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10- 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20- 25%, thu lời thêm từ 2,2- 7,5 triệu đồng/ha. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH- TẤN ANH
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin