Nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" vững chắc cho nền kinh tế những lúc khó khăn, rủi ro. Vì thế, đã đến lúc cần nhìn nhận thực tế, thay tư duy "ăn xổi" bằng làm ăn lớn, cùng "hợp sức" để nông nghiệp vùng phát triển bền vững.
Chế biến, xúc tiến kết hợp quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được Vĩnh Long đặc biệt quan tâm (ảnh chụp khi dịch COVID- 19 chưa bùng phát). |
Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế những lúc khó khăn, rủi ro. Vì thế, đã đến lúc cần nhìn nhận thực tế, thay tư duy “ăn xổi” bằng làm ăn lớn, cùng “hợp sức” để nông nghiệp vùng phát triển bền vững.
Công nghiệp hóa nông nghiệp
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, song với sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời khó khăn từ bộ, ngành trung ương, địa phương, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, giữ được vai trò là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Theo Tổng Cục thống kê, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
“Chủ lực” là Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Công thương đã có nhiều chương trình hợp tác, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, đầu tháng 7/2021, 2 bộ này đã ký kết hợp tác “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp”, với mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế; nhằm phát huy hơn nữa các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông- lâm- thủy sản trong thời gian tới.
Cũng trong năm nay, ghi nhận lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hình thức “sàn thương mại điện tử xuyên biên giới”. Bộ Công thương đã tiên phong trong việc xúc tiến mở “luồng xanh” tiêu thụ nông sản, đồng thời triển khai chương trình hỗ trợ nông sản có sự tham gia của đủ 6 sàn thương mại điện tử lớn bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada/Foodmap bên cạnh sự đồng hành của các đơn vị chuyển phát và các kênh phân phối truyền thống như BigC, Vinmart. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp như: gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói…thì việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông- lâm- thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để đưa những trái cây tươi ngon của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Nông dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra.
Thay tư duy “ăn xổi”, đưa nông dân làm ăn lớn
Nhiều năm qua, do vướng “hạn điền” nên doanh nghiệp có tiềm lực muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không được. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất vẫn còn rất lớn. Trước thực tế này, một số địa phương ở ĐBSCL đã đưa ra nhiều cách giải quyết, chẳng hạn như khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất để mở rộng quy mô.
Vĩnh Long có diện tích gieo trồng lúa khoảng 180.000 ha, những năm qua xây dựng thành công nhiều mô hình dịch vụ sản xuất trọn gói ở các hợp tác xã (HTX), mở ra cơ hội liên kết sản xuất theo quy mô lớn. HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) là một trong HTX thực hiện thành công phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Nông dân tham gia sẽ ký hợp đồng giao đất cho HTX sản xuất, sau đó phối hợp làm các công đoạn trong sản xuất. Nhờ đó, trên cùng thửa đất, người nông dân có thêm nhiều khoản thu nhập.
Ông Ðoàn Văn Tài- Giám đốc HTX chia sẻ, sự thành công của HTX là khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, cũng như tập quán canh tác lạc hậu, không theo một quy trình. Gần đây, HTX được hỗ trợ máy xay xát, đánh bóng gạo và đóng gói tại chỗ, giúp HTX xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Từ 11ha đến nay HTX phát triển lên khoảng 100ha theo hướng hữu cơ, bền vững.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp phát triển bền vững dựa trên 6 chữ: “Hợp tác, liên kết, thị trường”, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến. Qua đó, muốn nuôi con gì, trồng cây gì thì đầu tiên những người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng chất lượng, thay đổi quy trình canh tác, để ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để quản lý chuỗi giá trị khoai lang Vĩnh Long. |
Dịch COVID- 19 “là dịp” chúng ta nhìn lại, nhất là trong tiêu thụ nông sản, cần giải pháp nhiều hơn việc giải cứu. Về mặt xã hội, giải cứu nông sản là nghĩa cử đẹp, hành động nhân văn, nhưng đằng sau chuyện này đã bộc lộ quá nhiều bất ổn. Đó là tạo tâm lý “ỷ lại”, sau đó là tình trạng trồng ồ ạt, đến khi thị trường dư thừa thì rớt giá, dội chợ. Chúng ta hẳn còn nhớ những trường hợp giải cứu cho hành tím Sóc Trăng, thanh long Bình Thuận hay khoai lang Vĩnh Long trước đây, đều do sản xuất không gắn thị trường và rồi rơi vào… thế bí.
Tín hiệu trục trặc của thị trường nông sản và điểm yếu “hái trái ở cành thấp” làm ăn thiếu liên kết, phân phối đang bị “chặt ra” thành nhiều khúc trước đến khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại va Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, dịch COVID-19 dự báo kéo dài và phức tạp, giải pháp tìm đầu ra cho nông sản lúc này là cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống kho lưu trữ hàng nông sản. Việc sản xuất cần hướng đến thị trường cần gì và chú trọng chất lượng chứ không theo số lượng, chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Hà Nội) cho rằng: Cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để quản lý chuỗi giá trị khoai lang Vĩnh Long nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã và bà con hiểu được tầm quan trọng, cũng như kiểm soát được rõ quy trình sản xuất của mình. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH- TẤN ANH
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin