Giá xăng dầu tăng nhanh, sốc: Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm can thiệp

01:10, 30/10/2021

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh và chúng ta vẫn còn dư địa để bình ổn.

 

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM).
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM).

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh và chúng ta vẫn còn dư địa để bình ổn.

Sáng nay (30/10), Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức thời gian tới khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn thích ứng an toàn với Covid-19.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới. Theo đại biểu Ngân, nước ta chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao, nhiều nước tung các gói kích thích…

Những diễn biến này, theo đại biểu, có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới. Một số chi phí, dự toán chúng ta có thể thay đổi. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

"Nhân đây tôi kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh. Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng", đại biểu Ngân nêu quan điểm.

Trong khi đó khi bàn về kế hoạch tái cơ cấu, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nông sản cho Việt Nam. Theo ông, chúng ta có nhiều nông sản có thế mạnh như gạo, cà phê… tuy nhiên vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu còn nhiều vấn đề.

Đại biểu Tám cho biết, mới đây có thông tin gạo ST 24, 25 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công nhưng hàng chục doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ. Giả sử nếu họ đăng ký được thì đại biểu cho rằng, chúng ta rất thiệt thòi. Đây là vấn hết sức quan trọng cần được quan tâm, đại biểu Tám nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ sự băn khoăn khi kết quả tái cơ cấu giai đoạn trước vẫn còn nhiều hạn chế. Đề án liên kết phát huy vùng trọng điểm được xem là trọng yếu vẫn chưa "thai nghén". Một số chỉ tiêu được đại biểu quan tâm đó là tỷ trọng đóng góp FDI vào nền kinh tế, liệu 5 năm tới liệu có thay đổi được cục diện… Cũng theo đại biểu Nhân, vấn đề quan trọng nhất khi bàn về tái cơ cấu là phải đặt trong tổng thể kinh tế quốc gia, chương trình phục hồi sau đại dịch.

Các vấn đề được đại biểu đặt ra như trong khả năng ứng phó ra sao khi đại dịch còn kéo dài; các nhiệm vụ trọng tâm như tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, tổ chức tín dụng vừa qua không đạt được, liệu trong 5 năm tới nhiều nhiệm vụ lớn có khả thi hay không trong khi cả năm nay đã tập trung vào chống dịch…

Trước đó, đề cập về sự cần thiết xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung: Phát triển đô thị, kinh tế đô thị; thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả...

Theo Nguyễn Mạnh/Dân Trí

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh