Đưa dưa lưới... vượt đại dịch

10:10, 31/10/2021

Tự làm shipper là cách mà các chủ vườn dưa lưới đã xoay xở để tiêu thụ dưa trong thời gian giãn cách xã hội. Nay một số vườn dưa "bị đứt gãy sản xuất" đang tất bật gây dựng lại, bắt đầu vụ mới.

Tự làm shipper là cách mà các chủ vườn dưa lưới đã xoay xở để tiêu thụ dưa trong thời gian giãn cách xã hội. Nay một số vườn dưa “bị đứt gãy sản xuất” đang tất bật gây dựng lại, bắt đầu vụ mới.

Chị Lê Ngọc Hiền ở phường Trường An (TP Vĩnh Long) cho biết, trong thời gian giãn cách, chị đã “xoay xở nhiều cách” để tiêu thụ dưa như làm nước ép, tự làm shipper cho khách ở TP Vĩnh Long… Nhờ vậy, vườn dưa của chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn và “sản xuất và thu hoạch liên tục chớ không
đứt gãy”.

Từ “khu vườn trong nhà màn” 2.000m2 mọc lên ven sông Cổ Chiên (Phường 5- TP Vĩnh Long), anh Huỳnh Phú Lộc đã mở rộng diện tích lên gấp đôi tại Vĩnh Long và An Giang. Theo anh Lộc, tháng 6- 8 vừa qua, giá dưa rớt xuống còn 20.000- 25.000 đ/kg (bán sỉ). Bên cạnh, do gặp khó trong vận chuyển, tiêu thụ nên chủ yếu anh bán lẻ, tự đi giao hàng. Vì vậy, “thu hoạch 2 vườn dưa chỉ huề vốn”.

Anh Lộc cho biết thêm, dưa đang “lấy lại giá cũ” trên 30.000 đ/kg (bán sỉ). Hiện vườn dưa 1.000m2 của anh ở xã Phú Quới (Long Hồ) đang vào vụ thu hoạch, sản lượng cỡ 3 tấn và còn một vườn mới ra hoa.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mekong Green (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, HTX có 3.000m2 dưa lưới cho trái nhưng do mua vật tư khó- dinh dưỡng thiếu hụt nên “bị bỏ liên tục 3 căn (2.000m2), số còn lại năng suất giảm 40% và còn khó bán nên khó khăn kép- lỗ hơn 70 triệu đồng, thu hoạch đến đâu… dừng sản xuất đến đó”. Anh Nghĩa cho biết thêm, vận chuyển liên tỉnh gặp khó, trong tỉnh thì nhiều tiểu thương nghỉ bán nên càng khó hơn. Để xoay trở, anh “vừa bán dưa lưới cho tiểu thương vừa làm shipper giao hàng online cho tiểu thương đó luôn”. Bên cạnh, HTX còn tiêu thụ dưa qua tổ nông sản, đội nhóm thiện nguyện ở địa phương… Hiện HTX đang khôi phục sản xuất, đạt 60%/ 10.000m2.

Bén duyên dưa lưới thủy canh theo hướng công nghệ cao từ năm 2019, trải qua nhiều khó khăn, anh Nghĩa thấm thía “con đường không chỉ có màu hồng”, bởi: “Trồng đạt năng suất và chất lượng cao thì giá trị kinh tế cao hơn một số cây trồng khác nhưng đó vẫn là bài toán khó”.

Anh Lộc thì cho rằng, dưa lưới nhiều dinh dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ lớn “đi tới Sài Gòn, Hà Nội”, người giỏi có thể trồng 4 vụ/năm… Do đó, khi làm nông nghiệp công nghệ cao thì nhiều người chọn dưa lưới. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ, dưa lưới khó trồng nên có người trồng ăn ngọt và thơm, có người trồng ăn lạt và không thơm, vốn đầu tư khá cao nên có người trồng một thời gian rồi bỏ vườn… Vì vậy, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ thuật khi quyết định trồng.

Cũng gặp khó về tiêu thụ trong thời gian qua, anh Trần Văn Thiệu- chủ Farm Dưa lưới Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng như vận động hội nông dân hỗ trợ tiêu thụ, đăng bài hỗ trợ bán và farm tự giá giảm bán… nên 1.200 trái dưa được tiêu thụ hết vào tháng 7. Hiện, anh đang chuẩn bị trồng lại để đón thị trường tết.

TUYẾT HIỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh