Trong dịch COVID-19 tuy điều kiện lưu thông, phân phối hàng hóa có phần hạn chế, nhưng theo dõi trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy hoạt động mua bán vô cùng sôi nổi và những buổi livestream chốt đơn hàng liên tục.
(VLO) Trong dịch COVID-19 tuy điều kiện lưu thông, phân phối hàng hóa có phần hạn chế, nhưng theo dõi trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy hoạt động mua bán vô cùng sôi nổi và những buổi livestream chốt đơn hàng liên tục.
Thực tế xu hướng kinh doanh đang “làm mưa làm gió” này đã khiến thói quen mua sắm, tiêu dùng thay đổi rất lớn. Nó mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ năng động, nhất là việc đưa các sản phẩm “cây nhà lá vườn” đến với khách hàng cả nước.
Với hơn 2 công nhãn xuồng chín rộ, trong lúc không biết bán cho ai, chị Trân ở Long Hồ đã đăng tải sản phẩm lên Zalo, Facebook, xác định ngày giờ, khu vực giao hàng (được cho phép), đồng thời add hoặc nhờ bạn bè chia sẻ thông tin… Không ngờ, khoảng 30% sản lượng đã bán được qua kênh này.
Trong khi đó, chị Thúy ở Vũng Liêm đã “bán giùm” gần hết bầy vịt cả trăm con và chuồng gà tới lứa của cha mình qua mạng xã hội. Từng con gà, con vịt được chọn lựa kỹ, làm sạch, gói cẩn thận và được giao qua mạng lưới shipper được phép di chuyển.
“Thừa thắng xông lên” khi điều kiện đi lại được nới lỏng, khách hàng vẫn đặt hàng “vì gà thả vườn ngọt thịt, rất ngon”, vậy là chị vẫn duy trì giao hàng tận nơi theo yêu cầu và còn bán thêm bò viên, tôm sông…
Còn chị Ngọc Lê ở TP Hồ Chí Minh lại kết nối vườn cây ăn trái ở cù lao Dài (Thanh Bình, Quới Thiện- Vũng Liêm) với khách ở TP Hồ Chí Minh.
Chị là giáo viên mầm non, bán trái cây chỉ là “nghề tay trái”, nhưng nhờ mối quan hệ rộng rãi trên mạng xã hội, các livestream, hình ảnh của chị nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng thành phố.
Một lần đặt thử ăn ngon, lần sau chị vừa đăng “hàng mới cập bến nhé các tình yêu”, khách đã nhanh tay đặt hàng.
Dịp lễ tết, các loại bánh dân gian như bánh tét, bánh ú nước tro, bánh lá dừa… cũng được khách thành phố tin dùng.
Có thể kinh doanh trong dịch là “cuộc dạo chơi” của nhiều người “đăng thử coi bán được hôn?”, để giúp “giải cứu” sản phẩm của mình hoặc bà con xung quanh.
Nhưng thực tế đã cho thấy, khi các kênh bán hàng truyền thống bị đình trệ, chính là lúc thương mại điện tử nhanh chóng nhảy vào sân chơi và sẽ còn là “đối thủ đáng gờm” trong tương lai. Thương mại điện tử đã trở thành vũ khí lợi hại mà không một doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nào có thể bỏ qua.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin