Kỳ 3: Biến thách thức thành cơ hội

12:10, 21/10/2021

Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương; thì sự năng động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tìm cách thích ứng tình hình mới trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

(VLO) Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương; thì sự năng động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tìm cách thích ứng tình hình mới trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thành giới thiệu dòng sản phẩm gạo mới của Công ty Phước Thành IV.
Ông Nguyễn Văn Thành giới thiệu dòng sản phẩm gạo mới của Công ty Phước Thành IV.

Để biến nguy thành cơ

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ông Võ Tân Thành- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%).

Mặc dù GDP quý III/2021 giảm mạnh, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL- trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.

Cũng theo ông Võ Tân Thành, nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng mức độ giãn cách dần về trạng thái bình thường mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, cho rằng: Trong dịch bệnh còn là cơ hội cho một số chuỗi ngành hàng mới. Có thể thấy thị trường đã có sự dịch chuyển khá rõ rệt giữa một số ngành hàng, dịch vụ. Cơ hội sẽ đến nếu các DN biết tận dụng, biến nguy thành cơ, tìm hướng đi riêng.

Từ thực tế nhu cầu sản xuất của DN mình, ông Nam đưa ví dụ: Một năm trước giá đậu nành ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) 15.000 đ/kg so với giá nhập khẩu chỉ 12.000 đ/kg thì chênh lệch quá cao; nhưng trong giai đoạn dịch này giá đậu nành nhập khẩu đã tăng vọt lên 18.000 đ/kg do phát sinh nhiều chi phí vận tải, nguồn hàng khan hiếm, thì giá đậu nành trong tỉnh lại có lợi thế cạnh tranh lớn.

“Chỉ tính riêng nhu cầu sản xuất tương hột, tàu hủ ky… sản lượng tiêu thụ hàng năm rất lớn. Chúng ta có thể tính toán lại vùng trồng, hỗ trợ kỹ thuật, giống cho nông dân. Từ đó khai thác chuỗi sản xuất nông nghiệp của mình. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long có khai thác được cơ hội này không?”- ông Nam đặt vấn đề.

Tìm lối đi mới là cách mà không ít DN lựa chọn để vượt qua thách thức. Ông Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc cho hay: “Để khôi phục sản xuất trong giai đoạn tới, DN đã xác định lại thế mạnh, điểm yếu của sản phẩm, cơ hội và thách thức về thị trường.

Từ đó xác lập lại khách hàng mục tiêu, kênh phân phối cho hiệu quả hơn, tìm cách duy trì và đa dạng kênh bán hàng trong bối cảnh thị trường thu hẹp và
sức mua thấp”.

Theo ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, người đứng đầu DN phải có tầm nhìn, tư duy mới. Làm kinh doanh luôn có những rủi ro bất ngờ, nếu không dự đoán, chuẩn bị tâm thế trước thì rất dễ bị “đào thải”.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, cũng cho rằng: “Bên cạnh giải pháp quản trị dòng tiền đầu tư, nguồn lực lao động, thì “đòi hỏi DN cần có chiều sâu đầu tư, xây dựng văn hóa DN chứ không phải chỉ mở cửa kinh doanh kiếm tiền”.

Với nhận định: Sau đợt dịch COVID- 19, số DN ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các DN có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số DN phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Dương- Giám đốc Viettel Vĩnh Long: “Đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Đơn vị luôn chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này.

Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Viettel là DN có thế mạnh trong cung cấp dịch vụ số, đây cũng là thời điểm thích hợp nhất”.

Con đường ở phía trước

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

Ông Nguyễn Tường Nam cho rằng: Trước hết, DN cần mở rộng đối tác cung ứng trong chuỗi sản xuất để phòng khi khó khăn có sự bù đắp.

Đòi hỏi DN phải có chiến lược phát triển thích ứng tốt hơn. Cần tính toán dự trữ nguồn lực cho sản xuất như: vùng nguyên liệu, bao bì, hàng hóa và quan trọng là cần có dòng tiền tích lũy để cân đối đầu tư, phòng ngừa rủi ro…

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV: Vĩnh Long cần có những giải pháp hỗ trợ minh bạch, giúp DN hoạt động tốt hơn. Nên chú trọng hỗ trợ ngành hàng đặc trưng thế mạnh của tỉnh, các ngành xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, hiện nay vấn đề di cư lao động từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây, Vĩnh Long cần khai thác cơ hội để có kế hoạch phát triển các ngành nghề thu hút nhà đầu tư và tận dụng nguồn lao động dịch chuyển này. Đồng thời, với lợi thế 2 bờ sông Tiền, sông Hậu đều có cảng container, khi đường cao tốc hoàn thành, Vĩnh Long được xem là điểm đến “rất hot” vì đã rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông. Để tận dụng tốt cơ hội, tỉnh cần tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng nhà đầu tư mới.

Với cách tiếp cận mới mẻ và thực tế, theo ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhật Quỳnh: “Chúng ta không thể mãi chống dịch với một cái bụng đói và một nền kinh tế kiệt quệ.

Với cách nhìn mới, Chính phủ cũng thấy rằng dịch COVID-19 không thể khống chế hoàn toàn, mà chỉ có thể kiểm soát và sống chung lâu dài với nó- chúng ta gọi đó là cuộc sống bình thường mới.

Để khôi phục sản xuất, điều kiện tiên quyết là các DN cần phải được cung cấp vắc xin kịp thời.

Trong thời gian sắp tới, tài xế giao hàng và đội ngũ kinh doanh cần có thẻ xanh và thẻ vàng vắc xin để di chuyển qua tỉnh khác, người lao động cũng phải có thẻ để di chuyển đến chỗ làm”.

Nhiều DN đề nghị, các giải pháp cấp thiết để tháo gỡ khó khăn cho DN cần được đẩy mạnh hơn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, điều này sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN và cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các DN như: các chính sách giãn, hoãn nộp thuế, phí trong một thời hạn nhất định; hướng dẫn các ngân hàng giảm lãi suất tín dụng, giãn nợ và tăng hạn mức cho vay để giúp các nhà sản xuất khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

Ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, nêu đề xuất: “Mong chính quyền địa phương có cơ chế thoáng hơn cho DN, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ DN. Song song đó, DN mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện, giảm chi phí xét nghiệm vì hiện nay chi phí này còn quá cao”.

Theo lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ: Giai đoạn khó khăn này cũng là lúc cần rà soát bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, tạo thuận lợi cho DN. Ngân hàng Nhà nước ngoài chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cụ thể trong giai đoạn, cần tiếp thêm gói vay ưu đãi cho tái sản xuất sau giãn cách cho DN. Chính sách miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần được thực hiện bởi DN không có nguồn thu và khó khăn trong chi trả chi phí duy trì sản xuất.

Còn đối với chính quyền địa phương, cần giúp DN thông qua chủ động và có giải pháp liên kết vùng giải quyết vấn đề nguyên liệu và lao động, thủ tục hành chính như các hoạt động lưu thông phân phối liên quận, liên tỉnh, thành. Cần mạnh dạn trao quyền và trách nhiệm cho DN trong việc tổ chức sản xuất lâu dài gắn với an toàn.

>>>Kỳ cuối: Thích ứng an toàn, khôi phục và phát triển kinh tế

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh