Hằng năm nước ta có một lượng lớn các phụ phẩm trong nông nghiệp từ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp.
Hằng năm nước ta có một lượng lớn các phụ phẩm trong nông nghiệp từ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Các nguồn phụ phẩm này không những có thể làm phân bón hữu cơ mà còn là nguyên liệu đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất khác tạo ra giá trị gia tăng cao. Ngành chức năng cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác các nguồn phụ phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ để trồng nấm rơm giúp tạo thêm công ăn việc làm. |
Dồi dào nguồn phụ phẩm
Mỗi năm nước ta có trên 156 triệu tấn phụ phẩm các loại, trong đó có nhiều loại phụ phẩm chưa được khai thác tốt, bị bỏ phí. Đặc biệt, với ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước lượng phụ phẩm rất lớn, nhất là các phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, trồng cây ăn trái và chăn nuôi như rơm rạ, trấu, vỏ và hột của các loại trái cây, da và lông của các loại vật nuôi… Các phụ phẩm này nếu được khai thác tốt có thể mang lại giá trị hàng tỉ đô-la Mỹ mỗi năm.
Tiến sĩ Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Chỉ riêng nguồn phụ phẩm từ hoạt động chế biến các loại thủy sản, với khoảng 1 triệu tấn/năm, nếu khai thác tốt có thể mang lại giá trị 4-5 tỉ USD/năm. Nguồn phụ phẩm này có thể làm phân bón hữu cơ và xử lý, chế biến, chiết xuất các hợp chất sinh học, protein, dầu cá, dịch protein thủy phân… phục vụ làm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và các loại thức ăn chăn nuôi. Thực tế, việc khai thác các nguồn phụ phẩm từ thủy sản đã giúp mang lại số tiền 275 triệu USD trong năm qua”.
Theo Tiến sĩ Tống Xuân Chinh, tổng khối lượng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi của nước ta thải ra trong năm 2020 vào khoảng 156,8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL có 39,4 triệu tấn, chiếm 26% tổng khối lượng của cả nước. Lĩnh vực có nguồn phụ phẩm lớn nhất là trồng trọt, với 88,9 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL có 33,3 triệu tấn. Phụ phẩm trong chăn nuôi gia súc và gia cầm có khoảng 61,4 triệu tấn, trong đó ĐBSCL có khoảng 6,2 triệu tấn; còn phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp khoảng 5,5 triệu tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều loại phụ phẩm trong nông nghiệp đã được nông dân, doanh nghiệp tại các địa phương thu gom và sử dụng, mang lại nhiều giá trị. Đáng chú ý là việc tận dụng các nguồn phụ phẩm từ thủy sản, khai thác rơm rạ, trấu, cám gạo, thân và lá, vỏ và hạt của các loại củ, quả và cây trồng để làm phân bón hữu cơ, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất ra nhiều sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm có giá trị cao… Tuy nhiên, tình trạng rơm rạ trong sản xuất lúa bị đốt bỏ lãng phí và gây ảnh hưởng cho môi trường vẫn còn thường xuyên xuất hiện tại nhiều địa phương sau các vụ mùa thu hoạch lúa. Tương tự, nhiều loại phụ phẩm thải ra từ các quá trình trồng trọt, chăn nuôi và chế biến lâm sản như mùn cưa, thân của các loại cây bắp, cây đậu, vỏ của các loại trái cây hay các chất thải từ chăn nuôi, lông gia súc, gia cầm… vẫn còn bỏ phí, chưa được thu gom, xử lý và sử dụng một cách triệt để.
Cần giải pháp đồng bộ
Để quản lý, sử dụng tốt các phụ phẩm trong nông nghiệp, không chỉ đòi hỏi nâng cao nhận thức và hành động của người dân mà các cơ quan chức năng cần quan tâm rà soát, thống kê thường xuyên và đầy đủ về các nguồn phụ phẩm và thực trạng sử dụng để đề ra các giải pháp phù hợp. Song song đó, cần tăng cường công tác thông tin, tập huấn gắn với hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ giúp nông dân biết cách khai thác các nguồn phụ phẩm.
Tiến sĩ Tống Xuân Chinh cho rằng, cần hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và các máy móc, công nghệ phục vụ thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm giúp mang lại giá trị cao. Đồng thời, thể chế hóa ngưỡng áp dụng phân bón vô cơ và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ. Qua đó, sẽ thúc đẩy sử dụng các phụ phẩm để làm phân bón hữu cơ, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và tuần hoàn.
Việc có các hướng dẫn chuyên sâu và ban hành thêm các chính sách cụ thể đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả các phụ phẩm. Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, kiến nghị: “Ngành chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền và có các kế hoạch hành động cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực và các bên liên quan. Kịp thời chính sách ưu đãi, khuyến khích và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các viện, trường. Đặc biệt, cần tuyên truyền cặn kẽ và xây dựng các tài liệu để hướng dẫn, giúp nông dân biết rõ từng loại phụ phẩm và cách khai thác, sử dụng hiệu quả”.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ cần xem xét, ban hành Nghị định về phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để có chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy tái sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và phát triển ngành hàng nấm, trong đó có nấm rơm để tận dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân và cải thiện môi trường.
Bên cạnh hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả, Cục Bảo vệ thực vật cũng quan tâm rà soát, tham mưu Bộ NN&PTNT và các cấp thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Quy chuẩn quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm giúp người dân có cơ sở để sử dụng các loại nước thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nguồn tài nguyên phụ phẩm trong nông nghiệp là rất lớn, với hơn 156 triệu tấn/năm, cần được khai thác tốt để pháp huy thêm tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển đổi tư duy nhận thức, xem phụ phẩm trong nông nghiệp là nguồn tài nguyên, chứ không phải là phế thải. Các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ có thể dùng làm phân bón hữu cơ mà còn là nguyên liệu để sản xuất ra được rất nhiều sản phẩm có giá trị cao, mang đến nhiều triển vọng mở ra ngành nghề mới ở nông thôn, thu hút nhiều lao động |
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin