Bàn giải pháp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

07:10, 05/10/2021

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị "Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Kết nối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản.
Kết nối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản.

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuỗi cung cầu đứt gãy

Hội nghị được trực tiếp và trực tuyến qua đường link Facebook và Youtube với sự tham gia các ban, ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cùng các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương- Đỗ Thắng Hải cho rằng, dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong và xuất khẩu. Đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung- cầu; hạn chế logistics còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương.

Theo TS. Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đại dịch COVID- 19 ảnh hưởng rất sâu trên thế giới và Việt Nam. Riêng Việt Nam, nếu như năm ngoái được đánh giá là “ngôi sao sáng” khi tăng trưởng đến 2,9% trong khi thế giới tăng trưởng âm. Còn năm nay tổng thể đã có sự thay đổi. Quý III/2021, tăng trưởng cả nước giảm so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng, bán lẻ chưa bao giờ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như năm nay; vận chuyển hành khách, hàng hóa giảm, hàng chục triệu người mất việc làm… Năm 2022, những rủi ro về tài chính, thị trường chứng khoán, bất động sản…khả năng vẫn tiếp tục. Vì thế, theo dự báo Bộ Kế hoạch- Đầu tư tăng trưởng năm nay 3- 3,5% khả năng đạt được là rất khó.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng lưu thông là huyết mạch, nếu không giải được bài toán này thì không thể phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Vì thế, vừa qua, Bộ Công thương đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân.

Công nghệ số- giải pháp đắc lực

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Đồng thời, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, các chương trình do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong 9 tháng qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online- offline. Vì thế, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại là thương mại điện tử và truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhấn mạnh về sự cần thiết của công tác xúc tiến thương mại, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- Hoàng Minh Chiến cho rằng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

 “Hiến kế” để tăng trưởng quý IV, TS. Võ Trí Thành cho rằng, chúng ta làm sao bắt nhịp đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới về thương mại, đầu tư, tận dụng đầu tư FDI và nỗ lực bản thân doanh nghiệp. Thời gian qua, những hỗ trợ của nhà nước có nhiều điểm tương đồng với thế giới, song quy mô hỗ trợ còn khá khiêm tốn. TS. Võ Trí Thành cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phục thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh, chính sách tiền tệ. Cùng với đó là sự thúc đẩy, đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế…

Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics.
Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics.

Thứ trưởng Bộ Công Thương- Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản. Ông cũng kỳ vọng, qua hội nghị này các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bài, ảnh: H.MINH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh