Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

12:09, 03/09/2021

Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhiều dự án, dẫn đến việc triển khai và giải ngân kế hoạch vốn chậm tiến độ so với kế hoạch. BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh đề nghị cần rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu, từng cấp để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công.

 

Đoạn kè từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ đang được thi công.
Đoạn kè từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ đang được thi công.

Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhiều dự án, dẫn đến việc triển khai và giải ngân kế hoạch vốn chậm tiến độ so với kế hoạch. BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh đề nghị cần rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu, từng cấp để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công.

8 tháng, giải ngân chỉ đạt 34,27% kế hoạch

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch- Đầu tư, tổng vốn đầu tư công 8 tháng năm 2021 trên 4.320 tỷ đồng. Đến ngày 20/8/2021, giải ngân trên 1.480 tỷ đồng, đạt 34,27% kế hoạch; so với 6 tháng giải ngân tăng 11,8%. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 41,81%; ngân sách trung ương giải ngân đạt 27,56%.

Đối với các công trình chuyển tiếp, kế hoạch năm 2021 có 89 công trình tổng vốn 2.397,403 tỷ đồng, chiếm 55,49% tổng kế hoạch vốn, giải ngân đạt 32,27%. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 có 138 dự án khởi công mới với trên 1.532 tỷ đồng, giải ngân đạt 36,14%. Đến ngày 20/8/2021, đã khởi công 113 dự án, công trình.

Trong những tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế; tổ chức kiểm tra tiến độ thi công, chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch vốn; các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư có sự quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện kế hoạch vốn… đã đạt những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, công tác đầu tư công còn nhiều hạn chế như, tiến độ triển khai và giải ngân kế hoạch vốn chậm. Một số nguồn vốn giải ngân đạt thấp như: nguồn Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, nguồn Xổ số kiến thiết các năm trước, nguồn vốn ODA, vốn vay lại…

Còn 25 công trình, dự án chưa khởi công. Công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đối với một số dự án còn chậm. Nguồn vốn đầu tư khó khăn, nguồn cân đối ngân sách dự kiến đạt thấp so với dự toán, phải rà soát điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với nhiều dự án.

Nguyên nhân dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án, nhất là nửa cuối tháng 7 đến nay, một số dự án đã ký hợp đồng thi công, tạm ứng hợp đồng nhưng chưa triển khai do khu vực thực hiện dự án có trường hợp nhiễm bệnh; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dự án có quy mô lớn, thiết kế 2 bước, hiện nay đang tổ chức thiết kế thi công- dự toán nên chưa khởi công. Biến động giá một số vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát, ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án… Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn chậm.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi thi công dự án

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 hồi tuần trước, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh- đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện tốt đầu tư xây dựng cơ bản, vừa “chạy đua” thực hiện các công trình cấp thiết phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, kết quả 8 tháng đầu năm chưa đạt như mong muốn.

Đáng chú ý, công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đối với một số dự án còn chậm, kéo dài, nhất là dự án chuyển tiếp… nên tiến độ thi công rất chậm. Tinh thần trách nhiệm một số chủ đầu tư chưa cao, từ đó nhiều công trình chuyển tiếp giải ngân chậm (đến ngày 20/8/2021 có 13 công trình chưa giải ngân, 26 công trình giải ngân dưới 30%, 13 công trình giải ngân dưới 50%, 4 công trình giải ngân dưới 60%). Lãnh đạo một số sở ngành và địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo dẫn đến nhiều dự án thiết kế thi công, lựa chọn nhà thầu thi công chậm…

Từ phân tích một số hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, ông Lê Quang Trung cho rằng: “Ngay từ đầu năm, chúng ta đã có kế hoạch cụ thể và khi dịch COVID-19 bùng phát, quyết tâm của Chính phủ càng lớn hơn, vừa chống dịch vừa đẩy mạnh thực hiện tốt đầu tư công, mục tiêu là đến cuối tháng 9 giải ngân đạt 60% và cuối năm phải đạt theo yêu cầu”.

Qua đó, ông Lê Quang Trung đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng; nhanh chóng rà soát phối hợp, giải quyết để hoàn chỉnh các thủ tục công trình, dự án. Quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, bồi hoàn của người dân, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là công trình sử dụng nguồn vốn trung ương, vốn vay, các công trình trọng điểm, các công trình nông thôn mới.

Phải rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình sử dụng nguồn vốn trung ương, vốn vay, các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi lại thực hiện các công trình và việc vận chuyển vật liệu xây dựng trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Trung chỉ đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư rà soát những công trình, dự án không đảm bảo để cắt, chuyển vốn ngay. Đề nghị các chủ đầu tư cần rà soát, kiểm tra lại năng lực của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, phải có cam kết bằng văn bản và phải bảo đảm tiến độ; phải thành lập các tổ kiểm tra, giám sát công tác xây dựng cơ bản theo thẩm quyền; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, các công trình, dự án năm 2022 đúng theo thời gian quy định.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh