Nông sản, trái cây đến thời điểm thu hoạch nhưng không bán được, khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông, khiến nông dân chồng chất khó khăn.
(VLO) Nông sản, trái cây đến thời điểm thu hoạch nhưng không bán được, khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông, khiến nông dân chồng chất khó khăn.
Nhà vườn gặp khó khi trái cây chín nhưng không người mua, không người hái. |
“Khó thu hoạch, bán không ai mua”
Nhiều nông dân lo lắng vì tới vụ, nông sản không thu hoạch, không thể thu hồi vốn để đầu tư sản xuất trở lại. Nhãn chín đầy vườn nhưng không thương lái đến mua là tình trạng tại Hợp tác xã (HTX) Nhãn Tích Phước (xã Tích Thiện- Trà Ôn).
Có 100 gốc nhãn chờ thu hoạch với sản lượng trên 10 tấn, anh Lê Thành Công (xã Tích Thiện)- thành viên của HTX Tích Phước lo lắng vì nhiều ngày nay không có thương lái đến mua, trong khi khâu thu hoạch, vận chuyển lại khó khăn, “có cắt cũng không biết bán cho ai”- anh Công than thở.
Ông Nguyễn Văn Phát- Giám đốc HTX Nhãn Tích Phước- cho biết: Sản lượng của HTX còn trên 40 tấn chờ thu hoạch.
Nhiều vườn nhãn đã đến vụ hái nhưng không ai đến mua, xã viên chỉ biết giậm chân kêu trời. Vụ này nhãn cho năng suất khá, từ 2- 3 tấn/công nhưng giá bèo quá, chỉ có 8.000- 9.000 đ/kg, nhà vườn lỗ nặng vì chi phí cho nhãn ido rất cao.
“Nếu nhãn chín để lâu quá sẽ bị phù đầu, trái lạt, sượng. Tôi cũng có phản ánh đến lãnh đạo địa phương, nhờ ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra, gỡ khó trong khâu lưu thông, chứ tình hình này kéo dài thì nông dân khổ lắm. Giờ chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi, mọi thứ trở lại bình thường cho nông dân bớt khó khăn”- ông Phát nói.
Ngược lại, HTX Cam sành Khánh Nhân (Tam Bình) có đầu ra cam sành rất ổn định, không đủ đáp ứng đơn hàng. Tuy nhiên, HTX đang đối mặt tình trạng cam chín, chờ hái, giờ chờ… rụng, do khó thu hoạch lẫn vận chuyển vì thiếu nhân công.
Nhiều vườn cam hái không kịp, cam chín vàng vườn, rụng nhiều, xót ruột nhưng cũng phải neo lại, vì không ai hái.
Bà Đỗ Thị Phương Khánh- Giám đốc HTX Cam sành Khánh Nhân- cho hay: Hiện HTX đến vụ thu mua khoảng 500- 600 tấn cam nhưng không có nhân công hái, vận chuyển.
Nguyên nhân là do nhân công của HTX ở các khu vực lân cận, khi có giãn cách, nhân công hái ở xã này qua xã khác hái không qua được chốt kiểm soát.
“HTX đã đăng ký luồng xanh, đầu vào lẫn đầu ra đều có nhưng khó trong khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. HTX luôn tuân thủ nghiêm các biện pháp, quy định về phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
Nhưng để lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, mong muốn ngành chức năng cấp phép cho nhân công HTX lưu thông giữa các xã, huyện”- bà Đỗ Thị Phương Khánh bày tỏ.
Không chỉ riêng mặt hàng trái cây, nhiều loại nông sản khác như khoai lang, rau, củ các loại cũng vướng khó đầu ra. Nhưng dù có đầu ra cũng gặp khó trong khâu lưu thông, thu hoạch.
Trong khi một số đơn vị đầu mối vận chuyển khó đăng ký luồng xanh thì một số khác lại vướng khi qua trạm, chốt kiểm soát vì mỗi nơi yêu cầu mỗi khác.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp- PTNT và Sở Công thương cũng đã phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng nông sản qua nhiều kênh, như: Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Đông ở TP Hồ Chí Minh; kết nối qua hệ thống xúc tiến thương mại của Sở Công thương trên toàn quốc, các nhà phân phối bán lẻ, các hệ thống siêu thị và các chợ truyền thống, sàn giao dịch của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp- PTNT, Viettel Post, Bưu điện tỉnh,... Tuy nhiên, đến thời điểm này, sản lượng tiêu thụ không đáng kể.
Tích cực gỡ khó đầu ra
Ông Trương Thành Dãnh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết: Hiện nay việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn khó khăn.
Cụ thể là do một số chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh và chợ truyền thống trên địa bàn của tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa mở cửa hoạt động trở lại. Do đó, việc vận chuyển tiêu thụ nông sản của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng thương lái đi thu gom hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây, do có nhiều quy định, trong khi việc lưu thông vận chuyển hàng nông sản đều phải thực hiện nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
Đó là chưa kể, trên địa bàn tỉnh hiện nay, nông dân chủ yếu sản xuất riêng lẻ, không vào tổ hợp tác, HTX hay tổ sản xuất nên rất nhiều mặt hàng, nhiều chủng loại lại không đạt chuẩn để vào các siêu thị, kênh phân phối hiện đại.
Việc kết nối các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh cũng rất khó, dẫn đến việc các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề lấy hàng thông qua các tổ hợp tác hoặc HTX với số lượng từ 4- 5 tấn trở lên, nhưng bà con sản xuất riêng lẻ, gom hàng không kịp thời đáp ứng theo yêu cầu của các chỗ đặt hàng.
Hơn nữa, chưa sản xuất theo quy chuẩn, quy cách và chưa có liên kết với các nhà cung cấp nên việc hàng hóa của Vĩnh Long vào siêu thị rất khó khăn.
Để góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, ông Trương Thành Dãnh cho biết: ngành nông nghiệp sẽ rà soát nắm chắc lại diện tích trồng trọt, sản lượng, thời điểm thu hoạch để có kết nối và cung ứng kịp thời với các kênh hiện có.
Đồng thời, phối hợp ngành chức năng địa phương tuyên truyền, phát động cho bà con nông dân tăng cường buôn bán, giao thương qua hệ thống Viettel Post, Bưu điện tỉnh, Sàn giao dịch của Sở Nông nghiệp- PTNT hay Sở Công thương.
Song song đó, các huyện phải thông tin cho bà con biết để liên kết khi có yêu cầu đặt hàng của các đầu mối lớn thì đảm bảo số lượng, thời gian quy định họ cần.
Về lâu dài, giải pháp đặt ra là nông dân phải sản xuất theo yêu cầu của nhà phân phối, nghĩa là sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.
Và quan trọng là để việc thu mua dễ dàng và có đầu mối thì nông dân phải vào tổ hợp tác hoặc HTX, có như vậy, việc tiêu thụ nông sản mới thuận lợi, dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin