
Sau gần 2 tuần triển khai thực hiện, các tổ đi chợ thay đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế đáng kể lượng người dân ra đường, giúp cho việc giãn cách xã hội được thực hiện hiệu quả hơn, kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ. Không quản nhọc nhằn, không ngại khó khăn, các thành viên tổ đi chợ thay đã góp phần không nhỏ trong công cuộc chống dịch.
![]() |
(VLO) Sau gần 2 tuần triển khai thực hiện, các tổ đi chợ thay đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế đáng kể lượng người dân ra đường, giúp cho việc giãn cách xã hội được thực hiện hiệu quả hơn, kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ. Không quản nhọc nhằn, không ngại khó khăn, các thành viên tổ đi chợ thay đã góp phần không nhỏ trong công cuộc chống dịch.
Góp phần kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh tại chợ
Theo ghi nhận của phóng viên, sau 12 ngày hoạt động, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đều đồng tình ủng hộ chủ trương tổ đi chợ thay dân.
Hơn 10 ngày qua, bất kể mưa nắng, hơn 6 giờ sáng là chú Nguyễn Trí Hùng (Khóm 4- thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) lại xách 2 giỏ đệm lớn để đi chợ, có ngày 3- 4 đơn, có ngày 10- 15 đơn mua hàng.
Chú Hùng cho hay: “Mỗi ngày tôi đi chợ 1 lần vào buổi sáng, trường hợp người dân nhờ mua thuốc, thức ăn gia súc hay phân bón thì đi thêm lần nữa. Sau khi mua đủ đồ, tôi đến giao tận hộ gia đình.
Giúp được người dân trong lúc dịch bệnh và cũng hạn chế được người dân ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách, tôi không nề hà gì”.
Bà Lê Thị Lợi- Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Thít- cho biết: Huyện đã thành lập 85 tổ đi chợ ở 85 khu dân cư, với gần 560 thành viên. Sau khi thành lập xong, các tổ đi chợ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đi chợ thay vào ngày 5/8/2021.
Sau hơn 10 ngày, đã đi chợ giúp trên 20.800 lượt hộ dân (bình quân các tổ đi chợ giúp hơn 1.800 hộ dân/ngày). Các thành viên tổ đi chợ đều được tiêm ngừa và các anh chị em nhiệt tình tham gia.
Còn tại Vũng Liêm, mô hình đi chợ thay cũng đã phát huy hiệu quả. Phụ trách mua đồ cho khoảng 30 hộ dân, anh Ngô Thanh Tùng- thành viên tổ đi chợ thay ấp Hiếu Hạnh (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) cho biết: “Bà con quen dần với việc đi chợ thay. Ấp đi chợ xã Hiếu Thành do gần hơn. Tuy cực mà vui vì được góp sức mình vào công tác chống dịch bệnh”.
Chị Trần Thị Bé Sáu- Trưởng Khóm 2 (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng là thành viên tổ đi chợ cho biết: “Mỗi ngày tôi đi chợ với vài chục đơn hàng. Chiều hôm trước đi tổng hợp đơn hàng, sáng hôm sau đi chợ để lấy hàng rồi về giao cho người dân.
Tuy đi chợ có vất vả, nhưng giúp được bà con an toàn và bà con cũng nghiêm túc thực hiện, không ra ngoài là không thấy mệt”.
Cô Lê Thị Ánh (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho hay: “Nhà tôi và mọi người xung quanh rất mừng khi có tổ đi chợ thay, không ra đường khi cần thiết, an tâm ở nhà chấp hành quy định”.
![]() |
Tổ đi chợ thay phát huy hiệu quả, góp phần phòng chống dịch bệnh. |
Theo Sở Công thương tỉnh, sau 2 tuần, đến nay 100% huyện- thị- thành đều đã triển khai và áp dụng mô hình với 1.690 tổ và 7.600 thành viên, mỗi ngày có trên 98.000 đơn đặt hàng ngày. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh có gần 900 đơn đặt hàng ngày.
Tất cả các thành viên của tổ đi chợ thay đã được các địa phương tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo đó, các chợ cũng nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, Ban quản lý chợ phối hợp tốt với lực lượng công an, quân sự tổ chức các chốt kiểm soát tại các chợ, các chợ đều có lập chốt kiểm soát chỉ cho người trong tổ đi chợ thay vào chợ, không để người dân đi vào chợ.
Cùng chia sẻ, đồng lòng chống dịch
Theo ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đáp ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tổ đi chợ thay đã dần đi vào nề nếp, người dân đã dần quen với việc đặt mua hàng hóa thông qua các tổ đi chợ thay.
Tiểu thương tại chợ và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ nên tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định. Các địa phương đã tăng cường giám sát kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa và hoạt động của các tổ đi chợ thay.
Sở Công thương cũng đã thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát liên ngành 389 tỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và hoạt động cung ứng, mua bán hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng tự phát gần khu vực chợ, dọc theo các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tiểu thương phản ánh một số tổ đi chợ mua không đồng đều tại các hộ tiểu thương nên một số hộ tiểu thương không bán được hàng hóa, vẫn còn tình trạng thỉnh thoảng người dân, cán bộ, công chức, viên chức đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh đó, một số hộ tiểu thương phản ảnh khó khăn trong việc chuẩn bị hàng hóa bán trong ngày (do không xác định được nhu cầu mua hàng hóa thông qua tổ đi chợ), nên có hộ thì bán hết hàng hóa sớm, có hộ thì ngồi đến cuối giờ chiều mà vẫn không bán hết hàng hóa.
Trong khi đó, một số chợ hạng II, III chưa thực hiện nghiêm khai báo y tế đối với các tổ đi chợ thay vào chợ mua hàng hóa.
Bên cạnh đó, một số thành viên tổ đi chợ cũng bày tỏ khó khăn khi thực hiện. Cụ thể như: nhiều hộ dân gửi mua hàng rất nhiều, có những mặt hàng không thiết yếu, các tiểu thương bán ở chợ ít, nguồn hàng cũng chưa phong phú nên giới hạn việc mua hàng cho hộ dân.
Các thành viên đi chợ phần lớn là nhiệt tình, dù bước đầu nhận được hỗ trợ một phần của BCĐ huyện và một số xã nhưng do tần suất đi chợ nhiều và số lượng hộ gửi đông nên rất vất vả và tốn kém kinh phí xăng xe; mặt khác công việc thực hiện như lực lượng tuyến đầu, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao nên cũng có một số thành viên còn e ngại.
Một số thành viên tổ đi chợ thay cho biết, có những đơn hàng đặt chỉ một món vẫn nhận đơn vì dịch bệnh khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện mua nhiều món dự trữ trong nhiều ngày, khi thì 5 miếng tàu hủ, khi thì chục bắp, khi thì mấy ổ bánh mì không,…
Những người khác có điều kiện thì gửi mua đồ để ăn trong vòng 3- 4 ngày, nhưng cũng có những món không phải buổi chợ nào cũng có vì một số chợ chỉ còn vài hộ tiểu thương bán.
“Có những hôm mua không có tôi cũng nhắn, mong mọi người thông cảm. Tôi cũng cố gắng mua cho người dân trong xóm đầy đủ nhất, để mọi người có bữa cơm ngon, đảm bảo sức khỏe.
Chỉ mong người dân chia sẻ, thông cảm cho tổ đi chợ, cố gắng đồng lòng để vượt qua giai đoạn dịch bệnh này”- chú Hùng chia sẻ.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tổ đi chợ thay và những phản ánh của hộ tiểu thương tại chợ, ông Phạm Tứ Phương, cho biết: Sở Công thương cũng đã phối hợp với các địa phương tiếp tục nắm tình hình thực hiện công tác phòng chống dịch tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hoạt động của các tổ đi chợ thay để rút kinh nghiệm, phát huy những mặt đã đạt được, hạn chế những tồn tại khó khăn để hoạt động của tổ đi chợ thay đạt kết quả tốt. Đồng thời, nắm tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các hệ thống phân phối nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin