Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 8/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và các địa phương để cùng nhau chia sẻ, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động, việc làm cho người lao động dù chi phí sản xuất tăng cao. |
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 8/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và các địa phương để cùng nhau chia sẻ, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ cùng DN, doanh nhân. Chính phủ đang làm và nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện của đất nước để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn
Báo cáo nhanh của Sở Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) về tình hình thực hiện và các giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cho thấy tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế. Cụ thể như, nông sản vào mùa vụ thiếu lao động thu hoạch, không tiêu thụ được, có giá bán thấp (khoai lang, nhãn...) Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 ước tính giảm 16,08% so với tháng trước và dự báo còn giảm sâu. Xuất khẩu 7 tháng đạt 387,6 triệu USD, chỉ đạt 64,2% kế hoạch. Đến ngày 4/8/2021 trên địa bàn có 15 đơn vị chợ tạm ngưng hoạt động, chủ yếu là chợ loại III, tuy nhiên lượng hàng hóa vẫn đảm bảo, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu của người dân. Trong khi đó, một số khoản thu ngân sách quan trọng có xu hướng giảm dần; dự kiến nguồn thu cả năm 2021 sẽ rất khó khăn. Việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn trong cung cấp nguyên liệu đầu vào. Các DN trong các KCN, nhất là các DN FDI chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng… nhưng phải cân nhắc, tính toán kỹ trong thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh, nhiều DN cho biết tốn kém hơn rất nhiều với đủ loại chi phí phát sinh như: ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị vật dụng sinh hoạt, thực hiện test nhanh theo quy định… Các DN xuất khẩu có đơn hàng ngày càng ít đi do đầu ra bị hạn chế; nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cao. Nhiều DN chưa có sự chuẩn bị hoặc có cơ sở vật chất chưa đảm bảo biện pháp phòng chống dịch...
Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo quy định. Nắm sát tình hình sản xuất của các DN, nhất là DN trong các KCN; hỗ trợ DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp… Thực hiện các giải pháp thiết thực hỗ trợ DN ngừng hoạt động sớm quay lại sản xuất kinh doanh. Khẩn trương triển khai mở rộng xét nghiệm cho công nhân tại các KCN; tiếp tục rà soát, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại DN. Đối với các DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, phải thực hiện nghiêm lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, sàng lọc người lao động không có yếu tố dịch tễ, tạo vùng đệm an toàn cho khu vực sản xuất, tránh nguồn lây nhiễm từ bên ngoài.
Chính phủ luôn quan tâm đồng hành, chia sẻ cùng DN
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngay từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng DN, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Ở những nơi, những thời điểm dịch bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều, các DN đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhất là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
“Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Đáng quan tâm hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh- thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Tại hội nghị, cộng đồng DN khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: công tác chống dịch hiện nay chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định, nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, hướng đi, như “3 tại chỗ”, “1 cung đường- 2 điểm đến”... vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Trước hết, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi DN khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Tiếp theo là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vắc xin. Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong thời dịch. Về phía các DN, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản. |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin