Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 tại Văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 tại Văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021.
Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có ý kiến coi vật tư nông nghiệp, trong đó có giống cây trồng là mặt hàng thiết yếu. |
Kiểm soát chặt, nhưng cần quy định thống nhất cách làm
Ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH Nông trang Island- mấy ngày nay lo sốt vó để kịp vận chuyển hơn 10.000 cây giống cho khách hàng ở An Giang kịp xuống giống, nhưng vẫn đang liên hệ “tháo gỡ từ từ”. “Vì cây con, phôi giống là đầu vào của ngành nông nghiệp, nhưng chưa được quy định là mặt hàng thiết yếu nên không vận chuyển được trong thời gian này. Công ty chúng tôi sản xuất giống để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, mà không cho vận chuyển thì chẳng biết làm sao. Cây giống mỗi ngày một lớn lên cần đưa ra đồng trồng. Chủ trang trại thì cần xuống giống cho kịp thời vụ”- ông Nghiệp than thở.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Nghiệp, nông dân đã dọn đất sẵn chờ cây giống, nếu giao trễ lỡ mùa vụ, mưa cỏ lên làm gia tăng chi phí và doanh nghiệp có thể phải bồi thường. Hơn nữa, cây giao trễ cũng giảm chất lượng, gây thiệt hại cho sử dụng giống. Chính vì thế, khi có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, ông Nghiệp rất vui mừng và cho rằng: “Chính phủ quy định cho phép vận tải hàng hóa trừ hàng cấm theo quy định thì quá tốt. Tuy nhiên, cũng cần có liệt kê cụ thể danh mục hàng cấm để các địa phương áp dụng cho thống nhất”.
Các doanh nghiệp cho rằng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch COVID-19 là rất cần thiết. Doanh nghiệp đồng tình thực hiện đầy đủ đăng ký QR Code, giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2, giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh”…
Theo ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định nên việc vận chuyển mặt hàng gạo khá thuận lợi. Tuy nhiên, “thời gian này tuy chi phí vận chuyển cao, mất thời gian hơn nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận được. Bên cạnh việc đảm bảo sản xuất cho nhà máy an toàn, các tài xế phương tiện từ TP Hồ Chí Minh về cũng phải tuân thủ khử khuẩn, có kết quả test nhanh âm tính… rồi mới được vào công ty”.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ việc lưu thông hàng hóa thiết yếu “vẫn còn nhiều bất cập”. Chẳng hạn, khi đi qua một số trạm quét mã QR- Code rồi cho qua, một số trạm cán bộ nói không có máy quét buộc phải xuống xe khai báo y tế dù xe dán luồng xanh. Một doanh nghiệp khách phản ánh một số địa phương áp dụng giờ giới nghiêm buộc xe tải đường dài phải dừng ban đêm, trong khi đặc thù vận tải hàng hóa thường phải chạy ban đêm để kịp thời giao hàng.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Từ 0 giờ ngày 30/7/2021, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản 5187/VPCP-CN.
Văn bản nêu rõ, trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code, hoặc có nhưng hết thời hạn, thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện. Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra- vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định “5K” và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.
Tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng chống COVID-19” do Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng phải quy định hàng hóa thiết yếu dựa trên cả chuỗi giá trị chứ không chỉ khâu tiêu thụ. Bởi vì nếu không đảm bảo hàng hóa cho sản xuất lương thực thực phẩm đầu vào thì trong vài tháng nữa có thể thiếu hụt hàng hóa. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin