
Những tháng đầu năm, hoạt động của ngành ngân hàng gặp những khó khăn nhất định, nhất là khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
(VLO) Những tháng đầu năm, hoạt động của ngành ngân hàng gặp những khó khăn nhất định, nhất là khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
![]() |
PV Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn ông Lý Nhật Trường- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long- về các nội dung này.
* Xin ông cho biết tình hình hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Vĩnh Long?
- Trong 7 tháng đầu năm, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời và đầy đủ các chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan, đồng thời với sự quyết tâm cao của các tổ chức tín dụng nên hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, ổn định và phát triển, đảm bảo hoạt động thông suốt để phục vụ cho nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19.
Đến cuối tháng 7/2021, huy động vốn toàn tỉnh tăng 1,37% so với đầu năm, dư nợ cho vay tăng 1,36% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 1,25% và được kiểm soát trong mức cho phép; thanh toán không dùng tiền mặt, các giao dịch thanh toán qua internet banking, mobile banking tăng cao và là cơ hội làm thay đổi phương thức, thói quen trong thanh toán của người dân.
Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn, nhất là chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhanh chóng để hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn, đồng thời cho vay mới để khôi phục sản xuất....
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng gặp những khó khăn nhất định, nhất là khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh kéo dài đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, qua đó đã ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Cụ thể như làm cho tăng trưởng huy động vốn, dư nợ cho vay đạt thấp so với năm trước và so với kế hoạch định hướng năm 2021, tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trong thời gian tới.
* Có những thuận lợi, khó khăn như vậy, NHNN chi nhánh Vĩnh Long và các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp gì, thưa ông?
- Hệ thống NHTM cũng là doanh nghiệp, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, vì vậy với tình hình dịch bệnh diễn ra cũng sẽ gặp khó khăn như các ngành, lĩnh vực khác.
Nhưng với trách nhiệm của mình, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm phí, lãi vay, triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường, thực hiện giảm lãi suất cho vay, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội,...
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền, đặc biệt là cần đảm bảo an toàn hệ thống.
* Xin ông nói cụ thể hơn các biện pháp hỗ trợ doanh nghiêp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở Vĩnh Long đến nay thực hiện ra sao?
- Như đã nói ở trên, ngành ngân hàng đã triển khai khá đồng bộ các biện pháp hỗ trợ khách hàng, từ miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, thực hiện miễn, giảm lãi, cơ cấu lại các khoản nợ hiện hữu, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai các gói cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5- 2% so với lãi suất cho vay thông thường. Kết quả đạt được như sau:
- Đến tháng 8/2021, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của NHNN như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 381 khách hàng với dư nợ 322 tỷ đồng (trong đó có 17 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 219 tỷ đồng).
Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.752 khách hàng với dư nợ 1.958 tỷ đồng (trong đó có 123 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 981 tỷ đồng) với số lãi được miễn giảm là 8,52 tỷ đồng.
- Cho vay mới theo các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 13.843 tỷ đồng cho 2.677 khách hàng.
- Mới đây nhất là sự đồng thuận của 16 NHTM thực hiện giảm lãi suất cho vay phổ biến từ 0,25- 1,5%/năm tùy theo từng ngân hàng và đối tượng khách hàng đối với các khoản nợ hiện hữu và cho vay mới, thời gian từ 15/7- 31/12/2021.
Hiện đã thực hiện giảm lãi cho 62.627 khách hàng với dư nợ 12.497 tỷ đồng (trong đó có 404 doanh nghiệp với dư nợ là 2.385 tỷ đồng), tiền lãi dự kiến giảm đến cuối năm là 56 tỷ đồng.
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện cho vay với lãi suất 0%/năm để hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã giải ngân được 449 triệu đồng cho 2 doanh nghiệp với 131 lao động.
* Vâng, cùng với các biện pháp hỗ trợ tích cực đó, mới đây NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long có văn bản chỉ đạo các NHTM trên địa bàn về đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ lúa gạo. Chủ trương này được triển khai thực hiện thế nào, thưa ông?
-Thực hiện chỉ đạo của NHNN tỉnh và Hội sở, các chi nhánh NHTM đã chủ động rà soát, phối hợp với các thương nhân, doanh nghiệp thu mua lúa, gạo trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu thu mua, nhu cầu vốn để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Về nguồn vốn cho vay của các NHTM hiện nay khá dồi dào, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu vay vốn hiệu quả để thu mua lúa, gạo của khách hàng.
Trong thời gian qua, các chi nhánh NHTM thực hiện khá tốt việc cho vay các thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để thu mua lúa, gạo của người dân.
Tính đến 31/7/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 1.279 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm, tăng cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn tỉnh. Vì vậy, với chủ trương triển khai cho vay theo chỉ đạo trên, sẽ là cơ sở cho các chi nhánh NHTM thực hiện quyết liệt hơn, nhất là xem xét cho vay để doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo.
Do mới triển khai nên chưa đánh giá được kết quả nhưng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thống đốc NHNN, UBND tỉnh, sự quyết tâm cả hệ thống ngân hàng, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành có liên quan, khả năng dư nợ cho vay lĩnh vực này sẽ tăng trong thời gian tới để góp phần hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ lúa hàng hóa trong vụ Hè Thu đang tồn đọng.
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin