Trước nhiều ý kiến trái chiều, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ kéo dài thời gian thực hiện thông tư 40 để lấy ý kiến và triển khai cho đến đầu năm 2022, thay vì đầu tháng 8/2021.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ kéo dài thời gian thực hiện thông tư 40 để lấy ý kiến và triển khai cho đến đầu năm 2022, thay vì đầu tháng 8/2021.
Theo Thông tư 40, các sàn thương mại điện tử sẽ phải khai thay, nộp thuế thay cho người bán trên sàn (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của Bộ Tài chính, sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho người kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 8 quy định, các sàn thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,…) phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn, theo yêu cầu của cơ quan thuế, trong đó có doanh thu kinh doanh.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Chính phủ để xem xét, hỗ trợ các thành viên Hiệp hội, trong đó, bày tỏ nhiều lỗ ngại về tính khả thi của quy định mới cũng như nguy cơ gây tác động tiêu cực lên thị trường thương mại điện tử.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc nâng cao trách nhiệm quản lý thuế và làm thế nào để thu thuế đúng, đủ, nhanh chóng, chuẩn xác cho cơ quan thuế, là một trong những vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc sàn thương mại điện tử phải đóng thuế thay cho các chủ thể kinh doanh chưa thực sự phù hợp với yêu cầu quản lý thuế, cũng như phù hợp với thực trạng của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
“Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, để từ đó giúp các sàn thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình và họ phải tính toán nộp thuế trên các dịch vụ họ cho thuê. Đồng thời, có trách nhiệm với tất cả những chất lượng cũng như hiệu quả dịch vụ của họ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh là công cụ hữu hiệu để chặn thất thu thuế trong bối cảnh nhiều trường hợp thu nhập "khủng" nhờ kinh doanh online nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế. Bởi quản lý các cá nhân trên các sàn điện tử là rất khó, do tính đông đảo, tính biến báo linh hoạt và sự thiếu ổn định sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Do đó, TS. Phong cho rằng, nên thông qua tổng doanh thu, thông qua kết nối trực tiếp giữa sàn và các hộ kinh doanh, giúp chúng ta nắm được hoạt động và từ đó tính được thuế và nhờ thu.
“Hiện nay, trên thực tế chúng ta cũng áp dụng hình thức cho tổ trưởng khu phố thu hộ thuế nhà đất ở nhiều địa phương khá hiệu quả, nên việc đó là bình thường. Hay như chúng ta đã có dịch vụ đại lý thuế, khai thuế, nhờ đóng, thì việc nhờ thu cũng là bình thường”, ông Nguyễn Minh Phong nói.
Kéo dài thời gian để lấy ý kiến và triển khai đầu năm 2022
Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong Thông tư 40 chưa có tính khả thi cao, và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn. Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế đến ngày 1/1/2022 mới thực hiện (thời hạn cũ là 1/8/2021).
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thực tế, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa là 1,5% tính trên doanh thu, trong đó 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Từ trước đến nay, người kinh doanh tự kê khai, đóng thuế dựa trên thu nhập của họ. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày có 3,5 triệu giao dịch được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng nhiều người kinh doanh có doanh thu không thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc kê khai không trung thực.
"Việc quản lý thu thuế theo phương thức cũ sẽ tốn rất nhiều công sức, thời gian của cả cơ quan Thuế và người nộp thuế. Việc sàn giao dịch thương mại điện tử kê khai nộp thuế thay người kinh doanh sẽ giúp tối ưu hóa công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu đầu mối kê khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế", bà Nguyễn Thị Lan Anh thông tin.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, để đảm bảo triển khai hướng dẫn Thông tư số 40 của Bộ Tài chính phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và các sàn TMĐT, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ kéo dài thời gian để lấy ý kiến và triển khai đầu năm 2022, thay vì đầu tháng 8/2021.
Cụ thể, trong tháng 8/2021, Tổng cục Thuế sẽ chủ, trì phối hợp với Bộ Công thương khảo sát thực tế một số Sàn TMĐT, để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các Sàn TMĐT.
Từ ngày 1/8 đến trước 1/10/2021, Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, sau khi lấy ý kiến tham gia và khảo sát thực tế, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chính thức văn bản hướng dẫn về chuẩn dữ liệu cung cấp thông tin, giải pháp kết nối, quy trình cung cấp thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế.
Từ ngày 1/10 đến trước 1/1/2022, Tổng cục Thuế và các sàn TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc cung cấp thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
Từ ngày 1/1/2022, các sàn TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử./.
Theo Cẩm Tú/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin