Các quy định phòng, chống dịch bệnh không đồng nhất giữa các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu đang gây áp lực rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, cũng như gây khó khăn cho các doanh nghiệp chuỗi cung ứng, logistics.
Nhiều doanh nghiệp nông sản đang bị ảnh hưởng bởi chi phí logistics tăng cao |
Các quy định phòng, chống dịch bệnh không đồng nhất giữa các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu đang gây áp lực rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, cũng như gây khó khăn cho các doanh nghiệp chuỗi cung ứng, logistics.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, do dịch bệnh kéo dài nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra (từ cuối tháng 4/2021), doanh thu vận tải hàng hóa giảm sút 20-30%; số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%. Đặc biệt, khâu vận tải hàng hóa lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường. Điều đáng nói, các quy định phòng, chống dịch bệnh không đồng nhất giữa các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu gây áp lực rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, cũng như gây khó cho các doanh nghiệp.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre cho rằng, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng… hoạt động logistics cũng cần phải khơi thông. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cần phải kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng của Việt Nam, ảnh hưởng tới mức giá mà các doanh nghiệp nông sản quay về mua nguyên liệu cho nông dân.
“Hiện tại logictics đang có giá đắt gấp 3, gấp 5 và có thể là có những ngành gấp 10 lần. Chính vì vậy, rất hy vọng là nhanh chóng có giải pháp sớm nhất có thể để cứu doanh nghiệp đang sản xuất và cũng như là giải pháp lâu dài”, bà Ngô Tường Vy nói.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho vận tải là đồng nghĩa tháo gỡ phần lớn cho doanh nghiệp sản xuất ở đầu ra. Do đó, đã đưa ra một số đề xuất, Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì ban hành hàng hóa được phép ưu tiên như hiện nay.
Cùng với đó, Chính phủ nên phối hợp với công ty công nghệ hoặc chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin để việc khai báo y tế nhanh hơn. Nếu chưa ứng dụng được thì phải có một văn bản nhất quán. Nên tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế do nhiều địa phương nơi có cửa khẩu, cửa ngõ quốc tế rất tích cực chống dịch nhưng điều này lại gây cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế; Chính phủ cũng cần cho phép mua các bộ test Covid-19 nhanh để tránh tình trạng các lái xe thường xuyên phải đến các địa điểm test đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá Cục Hàng hải phải có những biện pháp kiên quyết và quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước để tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn này”, ông Nguyễn Duy Minh nêu ý kiến./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin