Doanh nghiệp thận trọng sản xuất "3 tại chỗ"

05:08, 05/08/2021

Hiện nay, việc áp dụng phương án sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ" ở một số tỉnh- thành đang diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã có chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp (DN); trong khi đó, các DN cũng hết sức thận trọng, tính toán kỹ việc tổ chức thực hiện.

 

 

Công ty TNHH Estec Việt Nam (KCN Hòa Phú) là một trong các DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” .
Công ty TNHH Estec Việt Nam (KCN Hòa Phú) là một trong các DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” .

Hiện nay, việc áp dụng phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” ở một số tỉnh- thành đang diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã có chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp (DN); trong khi đó, các DN cũng hết sức thận trọng, tính toán kỹ việc tổ chức thực hiện.

Đưa phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu

Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh, nhiều DN cho biết tốn kém hơn rất nhiều với đủ loại chi phí phát sinh. Theo ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, để thực hiện phương án “3 tại chỗ” DN đủ điều kiện bố trí cho người lao động ở lại ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị vật dụng sinh hoạt, thực hiện test nhanh theo quy định… “Phải thêm nhiều chi phí, DN không ngại tốn kém, nhưng lại khó thuyết phục người lao động ở lại nhà máy “3 tại chỗ”. Vì ngành hàng gạo là mặt hàng thiết yếu, nên DN cố gắng duy trì 1 dây chuyền sản xuất (khoảng 30% công suất) trong thời gian này”- ông Thành nói.

Trong khi đó, theo ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN), do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là các ca nhiễm bùng phát trong các DN thực hiện “3 tại chỗ” ở một số tỉnh- thành cũng làm cho nhiều DN đã có phương án được duyệt “lựng xựng”.

“Ban quản lý các KCN và các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra tại các DN, thấy rằng một số DN đã có phương án được duyệt nhưng chưa thực hiện được “3 tại chỗ”. Một vài DN qua test nhanh sàng lọc phát hiện trường hợp dương tính, nên DN rất thận trọng trong việc duy trì sản xuất”- ông Phạm Thành Khôn cho biết. Chẳng hạn, một vài DN đã có phương án “3 tại chỗ” đã được duyệt với khoảng 10% lao động đồng thuận, nhưng DN vẫn chưa tiến hành sản xuất và đang tính toán có thể tiếp tục giảm thêm số lượng lao động làm việc tại nhà máy.

Hơn nữa, một số DN sản xuất thực phẩm, DN tham gia các dự án xây dựng trọng điểm giao thông… lo ngại việc tạm dừng hoạt động có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiến độ công trình. Một DN khác cho biết đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” như sắm sửa đồ dùng cá nhân cho người lao động, bố trí nơi ăn, nghỉ…

Dù vậy, theo ông Phạm Thành Khôn: “Các DN trong khu- tuyến CN, nhất là các DN FDI chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng… nhưng họ rất cân nhắc, tính toán kỹ nên nhiều DN chưa thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Nhiều DN lớn có số lượng công nhân đông, chủ yếu duy trì bộ phận chính như: văn phòng, xuất hàng… chứ chưa sản xuất dây chuyền. Đáng chú ý là DN rất quan tâm và đặt công tác phòng chống dịch COVID-19, an toàn sức khỏe cho người lao động lên hàng đầu”.

DN nghiệp chưa đảm bảo phải tạm dừng

Trong thời gian tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Y tế, Công an tỉnh, cơ quan thanh tra chuyên ngành và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các DN được tiếp tục hoạt động theo phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” đã được chấp thuận (hoặc 1 cung đường 2 điểm đến) thực hiện nghiêm phương án phòng chống dịch theo quy định. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo Công văn 4305 của UBND tỉnh ngày 3/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các đơn vị cụ thể về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong DN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công văn nêu rõ trường hợp chưa thực hiện đúng theo quy định thì khẩn trương tham mưu UBND tỉnh tạm dừng hoạt động. Tăng cường kiểm tra các DN đã có quyết định tạm dừng hoạt động, các DN có phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” chưa được duyệt nhưng tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh (trừ trường hợp người lao động phải ở lại để bảo vệ, bảo trì tài sản nhưng không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR), tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt, xử lý vi phạm; nếu để phát sinh ca nhiễm và lây lan ngoài cộng đồng thì tham mưu cấp thẩm quyền truy cứu trách nhiệm theo quy định.

Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” của DN đảm bảo chặt chẽ, đúng theo quy định, hướng dẫn của UBND tỉnh và Trung ương về phòng chống dịch COVID-19. Không phê duyệt đối với những phương án chưa đạt tiêu chí, chưa phù hợp và phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế trước khi phê duyệt. Hướng dẫn, quy định số người lao động phải ở lại để bảo vệ, bảo trì tài sản nhưng không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh tại DN đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch. Các đơn vị chức năng chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các DN nếu để phát sinh các ca nhiểm, lây lan ra cộng đồng do thiếu sót trong quản lý, kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp.

Đối với các DN phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Chính phủ, Quyết định số 2046 của UBND tỉnh về việc ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong DN, và quyết định về tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Nếu để phát sinh dịch bệnh trong DN, lây ra cộng đồng do chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, chủ DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định. Đối với các DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, phải thực hiện nghiêm lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, sàng lọc người lao động không có yếu tố dịch tễ... Người lao động phải đeo khẩu trang, kính chắn khi làm việc, bố trí nơi làm việc, ăn, ngủ cụ thể, định danh cho từng lao động để hạn chế tiếp xúc. Tránh công nhân tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài. Tạo vùng đệm an toàn cho khu vực sản xuất, tránh các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài như: xe vận chuyển hàng hóa, cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm và khách hàng, đối tác theo phương án không tiếp xúc trực tiếp, khử khuẩn, che chắn, kính chắn, không cho xâm nhập khu vực sản xuất.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh