Doanh nghiệp nhỏ- xoay xở, vượt khó để tồn tại

05:08, 06/08/2021

Để tồn tại và từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã có những chiến lược, giải pháp cụ thể, tìm hướng đi để tiếp tục duy trì sản xuất. Không ít doanh nghiệp cho rằng, lúc này, chuyện lời lãi không quan trọng bằng việc tồn tại trong giai đoạn này.

Để tồn tại và từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã có những chiến lược, giải pháp cụ thể, tìm hướng đi để tiếp tục duy trì sản xuất. Không ít doanh nghiệp cho rằng, lúc này, chuyện lời lãi không quan trọng bằng việc tồn tại trong giai đoạn này.

Cơ sở tích cực quảng bá sản phẩm qua kênh online.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
 

Tạo hình ảnh mới

Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thời điểm này, một số cơ sở doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động, sản xuất bình thường để cung ứng hàng hóa cho thị trường.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình)- cho hay: “Cơ sở chủ yếu sản xuất gia vị, trong giai đoạn giãn cách mỗi ngày cung cấp cho thị trường 2- 3 tấn sản phẩm, trong đó, mặt hàng chao là sản phẩm bán chạy nhất. Do đó, bên cạnh việc tăng cường phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm quy định, thông điệp “5K”, chúng tôi vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động”.

Theo chị Linh, dịch bệnh vừa là thử thách cũng chính là cơ hội cho cơ sở “thể hiện mình”, ghi điểm trong lòng người tiêu dùng. Do đó, “cơ sở tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành tốt nhất để đáp ứng cho thị trường”- chị Linh chia sẻ.

Trong khi đó, cũng đã có không ít cơ sở, doanh nghiệp chấp nhận tạm dừng sản xuất vì sự an toàn của người lao động. Dù vậy, hàng hóa tồn vẫn còn, doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở, tìm cách tiêu thụ hàng hóa.

Khác với chị Linh, chị Phạm Thị Phượng- Chủ hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng từ bưởi (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh)- cho hay: Đợt dịch năm 2020, cơ sở đã nợ khoảng 100 triệu đồng. Vừa trả nợ xong thì lại tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch bệnh, lại tiếp tục nợ ngân hàng tiếp. Gần 2 tháng nay, sau khi tạm ngừng sản xuất mặt hàng vỏ bưởi sấy, cơ sở cũng còn một số hàng hóa. Do đó, cơ sở đã đem tặng đến các khu cách ly.

“Công ty cũng vừa đầu tư thêm máy đóng gói bao bì, nhưng chưa kịp sử dụng thì bị ảnh hưởng của dịch bệnh, phải bỏ mẫu in ấn bao bì gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có đầu tư trước nên ngay khi dịch lắng xuống, cơ sở sẽ bắt tay vào sản xuất ngay. Hiện cũng đã có một số nhà phân phối “đánh tiếng”, khi hết thời gian giãn cách sẽ đặt hàng liền. Bên cạnh đó, giai đoạn này tôi cũng hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản, kết nối giúp người dân thêm đầu ra. Song song đó, cơ sở cũng thường xuyên đăng tải các sản phẩm, công dụng sản phẩm, để giữ mối, giữ hình ảnh với khách hàng”- chị Phương cho biết thêm.

Vượt khó để tồn tại

Không ít doanh nghiệp cho rằng, lúc này, chuyện lời lãi không quan trọng bằng việc tồn tại. Do vậy, họ tìm nhiều cách chuyển hướng, sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, một số doanh nghiệp cho rằng, việc tận dụng và khai thác các hình thức kinh doanh dựa trên mô hình thương mại điện tử, nhằm hạn chế khách hàng trực tiếp đến mua sắm hay tụ tập đông người là giải pháp được nhiều cơ sở, doanh nghiệp đưa ra hiện nay- vừa phù hợp với xu hướng tiêu dùng vừa góp phần chống dịch.

Tạm ngừng sản xuất gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Thanh Việt- Nhà sáng lập bánh khoai lang, Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Do là sản phẩm chủ yếu dùng để “ăn chơi” nên nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, chắc chắn nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời, bởi hoạt động sản xuất của công ty tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ nên không bị phụ thuộc vào sự biến động giá cả. Do vậy, chúng tôi đang chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua hệ thống thương mại điện tử, Facebook, Zalo, để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới”.

Tuy nhiên, theo anh Việt, do thực hiện giãn cách, khó khăn hơn trong cách giao nhận hàng, nên bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu, cũng kinh doanh cầm chừng để tồn tại và cho người tiêu dùng không “quên mặt”. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, quy định phòng chống dịch được nới lỏng để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại, trước hết là cho vụ bánh trung thu gần kề.

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
Cơ sở tích cực quảng bá sản phẩm qua kênh online.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, khó khăn, trở ngại trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi, bởi sau giãn cách, doanh nghiệp cần một khoảng thời gian bắt nhịp và hồi phục dần sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời và thật sự tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Hiện nhiều cơ sở còn thiếu ngân hàng, tại phải tạm ngưng sản xuất, cũng cần thời gian hồi phục, do đó, bên cạnh sự cố gắng của mỗi đơn vị sản xuất, mong muốn ngành chức năng xem xét hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất vượt khó, cụ thể như trong việc hỗ trợ vốn, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ xúc tiến thương mại đa dạng hóa thị trường,… để cơ sở, doanh nghiệp được trợ sức, vượt qua khó khăn”- chị Phạm Thị Phượng bày tỏ.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh