Nhiều thành viên tổ đi chợ thay tất bật từ sáng sớm để mang rau củ, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho các hộ dân.
Nhiều thành viên tổ đi chợ thay tất bật từ sáng sớm để mang rau củ, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho các hộ dân.
Địa điểm đi chợ thay là chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích. |
Tất bật đi chợ thay
Sáng 4/8, chốt kiểm soát vào chợ Vĩnh Long có nhiều thành viên tổ đi chợ thay đăng ký vào chợ. Người đi chợ thay đeo thẻ nhận diện, lần lượt ghé các quầy hàng rau củ, thực phẩm… để mua hàng hóa theo “đơn đặt hàng” của bà con. Có người treo lủng lẳng hàng hóa hai bên xe máy, có người thiết kế thêm rổ đựng sau xe. Ghé quầy rau củ ở chợ Vĩnh Long, chú Lê Văn Tâm- thành viên tổ đi chợ của Khóm 1 (Phường 4)- lấy trong túi áo mấy tờ giấy viết tay chi chít “đơn đặt hàng” và đọc cho người bán số lượng những thứ cần mua. Chú còn tự tay lựa dùm những loại rau củ tươi ngon. Quầy này chưa đủ các mặt hàng, chú đi thêm quầy khác, không quên cẩn thận kiểm tra lại trước khi lên xe chở hàng hóa ra về.
Trong khi đó, tầm 8 giờ 22 phút, chị Trần Thị Thu Yến- thành viên tổ đi chợ thay của một khóm ở Phường 2 đã hoàn thành việc đi chợ thay, phân chia hàng hóa và giao hàng cho 12 hộ của khóm. Chị cho biết, sau khi nhận phiếu mua hàng từ các hộ thì từ sáng sớm chị đã đi chợ, chọn mua hàng hóa ở chỗ bán có giá mềm để giảm chi phí tiền chợ cho các hộ. Có hộ mua chỉ 20.000đ, nhiều nhất khoảng 400.000đ.
9 giờ, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh- thành viên tổ đi chợ thay Khóm 1 (Phường 9)- tất bật tìm số nhà một hộ dân để giao rau củ, thực phẩm chị đã đi chợ thay. Chị nhận đi chợ thay hơn 10 hộ của khóm, các thành viên của tổ chia nhau đi chợ và giao hàng tận nhà.
TP Vĩnh Long là địa phương triển khai sớm việc tổ chức đi chợ thay cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND thành phố- cho biết: Từ ngày 2/8, thành phố triển khai kế hoạch và các quyết định thành lập các tổ đi chợ thay ở 11 phường. Từ 3/8, thành phố kiên quyết không cho người dân tự ý đi chợ. Bên cạnh, thành phố còn bổ sung cho mỗi phường 2 tổ đi chợ thay do Đoàn Thanh niên và Liên hiệp Hội Phụ nữ phường đảm trách. Lực lượng đi chợ thay có thẻ đi chợ mua hàng hóa ở các chợ truyền thống, Co.opmart Vĩnh Long, Bách hóa Xanh và các cửa hàng tiện ích… Từ 3- 15/8, mỗi gia đình có 4 phiếu mua hàng hóa thông qua tổ đi chợ thay.
Tính đến ngày 4/8/2021, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã triển khai việc đi chợ thay cho người dân. Theo đó, người dân ở một số huyện khác như Tam Bình, Long Hồ… cho biết, những ngày qua, địa phương đã thông báo, cung cấp số điện thoại tổ đi chợ thay của khóm- ấp để người dân cần mua hàng hóa thì gọi.
Đảm bảo hàng hóa, siết chặt phòng chống dịch
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết, các xã- thị trấn trên địa bàn đã thành lập các tổ đi chợ thay, mỗi khóm- ấp là một tổ có từ 3 người. Theo đó, huyện đang thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 đối với lực lượng đi chợ thay, phối hợp với các địa phương kiểm tra tình hình cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Nếu địa phương nào gặp khó thì ngoài hàng hóa cung cấp từ các chợ sẽ nhờ hỗ trợ thêm của các siêu thị và các bách hóa… Riêng đối với các khu vực có nhiều ca mắc COVID-19, các khu vực phong tỏa thì từ 19/7 địa phương đã có hỗ trợ đi chợ thay khi người
dân cần.
Ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh- cho biết, từ ngày 3/8 thì hệ thống truyền thanh và các xã- phường tuyên truyền chủ trương đi chợ thay cho người dân biết; các xã- phường gửi phiếu mua hàng cho người dân và thành lập các tổ đi chợ thay. Theo đó, 8 phường- xã có 123 tổ với 505 thành viên, bắt đầu đi chợ thay từ ngày 4/8. Hiện đang thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 bổ sung cho lực lượng đi chợ thay, đảm bảo 100% thành viên đều được tiêm phòng.
Thành viên tổ đi chợ thay tất bật mua hàng hóa cho người dân. |
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, thành phố đã rà soát, tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID- 19 bổ sung cho tất cả thành viên tổ đi chợ thay trong ngày 3/8. Bên cạnh, lực lượng tiểu thương bán ở chợ, đội ngũ shipper cũng được tiêm ngừa… Để tạo thuận lợi cho các tổ đi chợ thay, thành phố đã có công văn đề nghị Ban Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long phối hợp, hỗ trợ theo khung giờ nhận và giao hàng cụ thể. Nếu đơn mua hàng quá nhiều, phía siêu thị, cửa hàng tiện ích… sẽ hỗ trợ lấy hàng và giao về các phường.
“Trước khi thực hiện đi chợ thay, theo đánh giá của UBND thành phố, hơn 40% người dân đã thực hiện đặt hàng online, mua hàng qua mạng, qua điện thoại... Thành phố rất cần sự chung tay, đồng lòng, thông cảm, chia sẻ của người dân để vượt qua đại dịch”- ông Nguyễn Thanh Hà nói.
Ngày 2/8, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh, Ban Dân vận các huyện- thị- thành ủy phối hợp hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt hoạt động “Tổ đi chợ thay” trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. Các hoạt động của tổ đi chợ thay mang tính phục vụ cộng đồng, không vì lợi nhuận, chú trọng các khu vực đang bị phong tỏa nhằm hỗ trợ người dân mua lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, hạn chế tối đa không cho người dân đi lại, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội. Vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên tích cực tham gia vào các “Tổ đi chợ thay” ở cơ sở, cộng đồng khu dân cư (tổ tự quản ấp, khóm, tổ dân phố…). |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin