Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngắn hạn và lâu dài

01:08, 19/08/2021

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT), trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy vậy, trong nguy luôn có cơ, các DN nếu biết nỗ lực tận dụng cơ hội sẽ có thể sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

 

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

(VLO) Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT), trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy vậy, trong nguy luôn có cơ, các DN nếu biết nỗ lực tận dụng cơ hội sẽ có thể sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Sản xuất kinh doanh đối mặt nhiều khó khăn

Tại Vĩnh Long, theo số liệu của Sở KH-ĐT, tính từ đầu năm đến ngày 6/8/2021, trên địa bàn tỉnh chỉ phát triển mới được 202 DN (đạt 51% kế hoạch năm).

Dù vậy, cũng có 47 DN thực hiện thủ tục giải thể (tăng 5 DN) và 97 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 2 DN). Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, như: nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cao, chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng…

Việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh, nhiều DN cho biết tốn kém hơn rất nhiều với đủ loại chi phí phát sinh như: ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị vật dụng sinh hoạt, thực hiện test nhanh theo quy định…

Trong khi đó tình hình chung cả nước, theo Bộ KH-ĐT, nếu đăng ký DN 6 tháng đầu năm 2021 còn có nhiều điểm sáng, thì trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, số liệu về tình hình DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của các DN.

Trong 7 tháng năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, với 79.673 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các DN tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cũng trong 7 tháng, số DN chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 DN, tăng 28,6%; số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384 DN, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có khoảng 11.300 DN rút lui khỏi thị trường.

Bộ KH-ĐT cho biết, qua phản ánh của các hiệp hội, DN trong và ngoài nước, có 8 nhóm vấn đề khó khăn chủ yếu mà DN đang phải đối diện, như là: tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm.

Doanh thu giảm mạnh, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất.

Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Lưu thông hàng hóa gặp khó khăn...

Nhiều DN quy mô lớn với hàng trăm, hàng ngàn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn cho DN và người lao động. Theo khảo sát nhóm 500 các DN FDI, có tới 26,5% DN đã phải thu hẹp quy mô, cắt giảm quỹ lương, sa thải bớt lao động...

Đáng lưu ý trong các kiến nghị các DN đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.

Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.

Biến nguy thành cơ

Đánh giá của Bộ KH-ĐT cho thấy, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ và vừa (gần 98% số DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa), trình độ công nghệ thấp, vốn mỏng, chưa có nhiều tích luỹ, kỹ năng quản trị yếu kém, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết khiến các DN gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát.

Một số chính sách hỗ trợ cho DN chưa được triển khai và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa đem lại tác động cho DN như: chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhận diện nhiều thách thức mà DN phải đối mặt, nhưng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng trong nguy luôn có cơ.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, cả hệ thống chính trị đứng đầu là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kép và dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế ngay từ thời điểm hiện tại nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đón đầu xu hướng.

Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tác động từ dịch COVID-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... đem lại cơ hội thị trường mới cho các DN có thể tận dụng.

Một số chính sách hội nhập quốc tế như các FTAs mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thế giới, các quốc gia khu vực Châu Âu, Mỹ đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và đã nới lỏng và dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội, bắt đầu mở cửa biên giới cho du lịch và đầu tư.

Một số quốc gia xác định có thể phải sống chung với dịch COVID-19 và có phương án chủ động hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Các DN có thể tận dụng việc mở cửa và hồi phục của các thị trường này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trên cơ sở đánh giá tình hình DN và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, hiệp hội và DN cũng như quan điểm hỗ trợ DN trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, các nhóm giải pháp “cần triển khai ngay” cũng như chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ DN phục hồi và phát triển.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tạo điều kiện cho DN ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển, Bộ KH-ĐT khẳng định tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn.

Tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ những vấn đề cấp bách với phương châm “sớm nhất- hiệu quả nhất” nhằm giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho DN; giúp DN có thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh