Các ngành chức năng cần xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch để DN áp dụng phù hợp với nhu cầu của DN.
Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam). Ảnh: TTXVN |
Các ngành chức năng cần xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch để DN áp dụng phù hợp với nhu cầu của DN.
Sau thời gian thực hiện mô hình "3 tại chỗ" từng áp dụng khá thành công tại một số khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh phía Nam gặp khó khăn khi thực hiện. Nhiều cuộc họp giữa các cơ quan chức năng và đại diện DN, hiệp hội ngành hàng nhằm gỡ vướng, giúp DN yên tâm sản xuất.
Theo nhiều chuyên gia, cộng đồng DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô DN, năng lực sản xuất, nhu cầu sử dụng lao động khác nhau, các ngành chức năng cần xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch để DN áp dụng phù hợp với nhu cầu của DN.
Gánh nặng tài chính là khó khăn đầu tiên được các DN đưa ra khi áp dụng phương án “3 tại chỗ”, nhất là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tính toán, khi áp dụng “3 tại chỗ”, các khoản chi phí đã tăng hơn 2 lần so với bình thường.
Ngoài tiền lương của người lao động vẫn như cũ, cộng thêm 70% lương trợ cấp, tương đương khoảng 200.000 đồng/ngày, ngoài ra còn thêm những khoản phát sinh phải chi trả như phí xét nghiệm Covid-19, chi phí ăn, ở cho người lao động. Như vậy, để áp dụng “3 tại chỗ” chi phí lương cho một lao động của Vinatex lên đến 20 triệu đồng, trong khi lương bình quân trước thời điểm dịch là hơn 8,5 triệu đồng.
Không chỉ áp lực tài chính, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng để đảm bảo nơi ăn chốn ở theo mô hình “3 tại chỗ” cho hàng nghìn lao động của mỗi DN là không hề đơn giản. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động, cũng là ảnh hưởng tới năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
“Rõ ràng chúng ta cũng không thể kéo dài "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Dự báo trong khoảng 1 tháng nữa, các DN như dệt may, da giày cũng sẽ không chịu đựng được nữa. Cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế cũng phải tính đến, trong điều kiện đó thì có tổ chức sản xuất không. Thứ hai là phải đảm bảo thống nhất giữa các địa phương về đi lại, về tiêu chuẩn để DN có thể làm việc. Hiện nay, mỗi địa phương, thậm chí mỗi xã có tiêu chuẩn khác nhau, rất khó để DN hoạt động. Nếu đã xác định là lâu dài, cần sớm có hướng dẫn thống nhất trên cả nước để DN sớm quay trở lại sản xuất”, ông Trường đề xuất.
Ngành da giày cũng trong tình cảnh tương tự, việc thực hiện mô hình "3 tại chỗ" không phù hợp do đặc thù ngành rất đông lao động. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, đặc thù của mỗi DN, ngành hàng rất khác nhau, do vậy, cần nâng cao tính chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp DN.
“Thời gian tới cần phát triển y tế tại chỗ của DN để ứng phó tình huống khẩn cấp xảy ra. Đặc thù mỗi DN, mỗi ngành hàng rất khác nhau, do vậy cần nâng cao tính linh hoạt của DN khi đề xuất, xây dựng phương án sản xuất phù hợp nhất để đảm bảo an toàn, phương án cũng được y tế địa phương xem xét và phê duyệt”, bà Xuân nêu ý kiến.
Ở lĩnh vực công nghiệp nặng, nhu cầu sử dụng lao động ít hơn nhưng việc áp dụng mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” và “3 tại chỗ” mà ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM gọi là “3 T” lại có thêm những khó khăn khác. Với những DN cơ khí thực hiện “3 tại chỗ tương đối ổn vì đặc thù của xưởng cơ rộng, nhân lực thì không đông.
“Những DN dạng này có thể ổn trong nhà máy nhưng lại không ổn ở ngoài nhà máy. Những nhân viên đi lại giao nhận vật tư, vật liệu hàng hóa đã phát sinh rất nhiều vấn đề và cũng là vấn đề chung của tất cả các DN nên cần được cấp mã QR-code để đi lại một cách thuận lợi hơn”, ông Tống đề xuất.
Sau khi kiểm tra thực tế một số mô hình nhà xưởng đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” ở TP.HCM và khu vực phía Nam, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Thành viên Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương thừa nhận, những khó khăn mà DN phản ánh là thực tế. Đã có không ít doanh nghiệp sợ rủi ro trách nhiệm, pháp lý trong việc quản lý đảm bảo an toàn cho công nhân nên đã đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc, tạm ngừng sản xuất thay vì áp dụng “3 tại chỗ”, dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất. Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
“Bộ Công Thương có đề xuất là ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” cần bổ sung các hình thức khác để cho DN linh hoạt hơn trong việc lựa chọn. Đặc biệt, cần phải có các quy định cụ thể đối với những trường hợp lao động được về nhà có cam kết của DN, cam kết của người lao động với DN và buộc phải di chuyển bằng phương tiện, cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh”, ông Hoàn nhìn nhận.
Theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị đứt gãy trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ". Tuy nhiên, với sự khác nhau về nền tảng hạ tầng, quy mô, năng lực cũng như đặc thù sản xuất, việc áp dụng cứng nhắc chung 1 phương án “3 tại chỗ” cho tất cả các DN lớn - nhỏ như nhau cần phải được nghiên cứu, tính toán lại cho phù hợp.
Cần xây dựng những phương án cao nhất để vừa chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, trong đó phải duy trì sản xuất các sản phẩm thiết yếu trong bất cứ tình huống nào. Vì vậy, cùng với ưu tiên và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine bao phủ cho lao động nói chung, đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực phía Nam – nơi có mật độ lao động đông, có thể điều chỉnh chính sách “1 cung đường - 2 điểm đến” thành “1 cung đường - các điểm đến”, nghĩa là cho phép công nhân được lưu trú, ăn ở tại các điểm tập trung khác nhau nhằm giảm áp lực cho “3 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, cũng cần tính tới những đặc thù, mang tính bắt buộc đối với các ngành sản xuất hàng thiết yếu. Phương án “3 tại chỗ” vẫn rất hữu dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu một khi dịch bệnh bùng phát và tiếp tục phải thực hiện giãn cách trên quy mô rộng. Khi đó, cũng cần tính tới các “gói” hỗ trợ tài chính cụ thể (bằng tiền mặt) áp dụng cho người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp này./.
Theo Trần Toàn/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin