Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi dịch COVID-19 bùng phát nhanh ở TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến gặp rất nhiều khó khăn.
(VLO) Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi dịch COVID-19 bùng phát nhanh ở TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới.
13 tỉnh ở ĐBSCL là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Hiện nay, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đứng ngồi không yên vì lo phòng chống dịch COVID-19, giá nguyên liệu cá tra dự kiến sẽ có biến động lớn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo VASEP, ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra, với gần 3.000ha ương dưỡng cá tra giống. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, giá nguyên liệu vật tư đã tăng 3- 4 đợt; giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15- 20%, cước vận tải biển tăng... là những yếu tố cấu thành thúc đẩy giá trị cá tra xuất khẩu tăng thêm.
Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, do có ca nhiễm COVID phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ.
Dự tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt. Trong công văn mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, VASEP đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” ở các địa phương.
VASEP cho rằng, nếu tiêm ngay vắc xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường, đối tác xuất khẩu, vừa duy trì sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông- ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin