Bảo vệ sản xuất, không để "dịch chồng dịch"

08:08, 03/08/2021

Để bảo vệ tốt cho sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông và các cây trồng khác; đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID- 19, vừa qua Bộ Nông nghiệp- PTNT có công văn đề nghị các địa phương chỉ đạo theo dõi, bám sát đồng ruộng, kịp thời phòng chống hiệu quả sâu bệnh hại cây trồng, không để xảy ra "dịch chồng dịch".

 

 

Bộ Nông nghiệp- PTNT đề nghị tăng cường bảo vệ sản xuất lúa và các loại cây trồng trong bối cảnh dịch COVID- 19.
Bộ Nông nghiệp- PTNT đề nghị tăng cường bảo vệ sản xuất lúa và các loại cây trồng trong bối cảnh dịch COVID- 19.

Để bảo vệ tốt cho sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông và các cây trồng khác; đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID- 19, vừa qua Bộ Nông nghiệp- PTNT có công văn đề nghị các địa phương chỉ đạo theo dõi, bám sát đồng ruộng, kịp thời phòng chống hiệu quả sâu bệnh hại cây trồng, không để xảy ra “dịch chồng dịch”.

Bảo vệ sản xuất lúa Thu Đông

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến cuối tháng 7, đã xuống giống được 45.320ha lúa Hè Thu (đạt 88% so với kế hoạch) lúa chủ yếu chắc xanh- chín. Trên trà lúa Hè Thu sớm, đã thu hoạch 43.818ha với năng suất bình quân 5,57 tấn/ha. Sinh vật gây hại trong tuần qua chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn chắc xanh- chín.

Hiện toàn tỉnh đã xuống giống được 23.638ha lúa Thu Đông, đạt 50,8% so kế hoạch. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, phổ biến lúa đang giai đoạn mạ- đẻ nhánh. Trong tuần qua, sâu bệnh trên 1.000ha lúa Thu Đông, với các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Ngoài ra, các đối tượng khác như: ốc bươu vàng, sâu đục thân, bệnh đốm vằn, vàng lá do vi khuẩn, cháy bìa lá,… cũng đã xuất hiện và gây hại nhẹ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đưa ra khuyến cáo một số biện pháp quản lý- canh tác lúa. Theo đó, ngoài các diện tích lúa đã xuống giống lúa Thu Đông, các diện tích còn lại cần theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống theo nguyên tắc tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bù lạch, chuột, cỏ dại,…

Hiện nay, điều kiện thời tiết mưa lớn, ẩm độ cao kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh. Đặc biệt, đối với bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt… khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, bà con cần ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá và tiếp tục theo dõi, chăm sóc, quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Hiện rầy ngoài đồng phổ biến tuổi 5 và trưởng thành gây hại chủ yếu với mật số thấp 500- 800 con/m2. Bà con nông dân cần chủ động thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu, dịch hại. Đối với trà lúa trổ- chín về sau không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid, Triflumezopyrim do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, để phòng trị bệnh thối gốc thân, cháy bìa lá do vi khuẩn đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác như vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sử dụng giống nhiễm như OM4218, Jasmine 85, OM4900,… Bên cạnh, cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan, rải vôi bột 20- 25kg/công, sử dụng thuốc trừ vi khuẩn, ngưng bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất silic, canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh cũng như cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn.

Không để “dịch chồng dịch”

Trong công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh ở Nam Bộ theo dõi sát diễn biến sinh vật gây hại, chủ động phòng chống rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá, lem lép hạt, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá,... trên cây lúa cũng như tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh và các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng khác.

Khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương đến trung ương theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra “dịch chồng dịch”.

Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo sở công thương và các cơ quan liên quan điều tiết cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu trên địa bàn tỉnh phục vụ đầy đủ theo nhu cầu của nông dân.

Song song đó, chỉ đạo UBND cấp huyện và các sở, ngành, đơn vị liên quan, tập trung nguồn lực bảo vệ các vùng sản xuất nông sản chủ lực an toàn dịch bệnh, không để tình trạng thiếu lao động chăm sóc, phòng chống sinh vật gây hại cây trồng và thu hoạch nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa, vật tư nông nghiệp thiết yếu đảm bảo phục vụ sản xuất, không để tình trạng ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo trong tuần này trên đồng xuất hiện phổ biến rầy trưởng thành và rầy mới nở (tuổi 1) gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên trà lúa Thu Đông giai đoạn mạ đến đòng trổ.

Sâu cuốn lá có khả năng xuất hiện rải rác và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ. Những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại ở mức trung bình.

Bệnh đạo ôn lá có khả năng tăng diện tích và tỷ lệ nhiễm trong thời gian tới do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML202, OM5451, IR50404, OM4218, OM4900,… có thể nhiễm với tỷ lệ trung bình đến nặng.

Do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài, bệnh cháy bìa lá, thối gốc thân do vi khuẩn bệnh sẽ tiếp tục phát triển, nhiễm nhẹ trên trà lúa đẻ nhánh, đặc biệt là những ruộng bón thừa đạm, không chủ động rút được nước. Ngoài ra, các đối tượng khác như: ốc bươu vàng, bù lạch (bọ trĩ), sâu đục thân, chuột, bệnh đốm vằn, vàng lá do vi khuẩn,… sẽ có khả năng xuất hiện và gây hại trên diện rộng khi gặp điều kiện thích hợp.

 

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh