Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19 đồng thời vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống, sản xuất, ngành chức năng trong tỉnh Vĩnh Long đã và đang tích cực triển khai các biện pháp tạo "luồng xanh" trong vận chuyển nông sản, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Doanh nghiệp mong muốn được lưu thông thông suốt, an toàn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. |
(VLO) Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19 đồng thời vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống, sản xuất, ngành chức năng trong tỉnh Vĩnh Long đã và đang tích cực triển khai các biện pháp tạo “luồng xanh” trong vận chuyển nông sản, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Mở “luồng xanh” cho hàng hóa
Để bảo đảm cho các phương tiện vận tải hàng hóa đi lại thuận tiện trong thời gian giãn cách xã hội, ngành chức năng đã thực hiện tổ chức giao thông bằng cách tạo “luồng xanh” (luồng ưu tiên cho phương tiện vận tải hàng thiết yếu qua lại) trên các tuyến đường, các chốt kiểm soát giao thông.
Tại Vĩnh Long, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian này. Là một trong những doanh nghiệp đăng ký thành công trên luồng xanh vận tải quốc gia, ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nhật Quỳnh (Tam Bình)- cho biết: Trước đây, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh- thành gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, nhiều địa phương giãn cách.
Từ khi thực hiện đăng ký “luồng xanh”, được cấp mã QR Code, việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tại Vĩnh Long đã được thông suốt, dễ dàng, thuận tiện hơn. Hiện doanh nghiệp cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp khác đăng ký trên luồng xanh.
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Long cũng đã có hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện.
Cụ thể, đối tượng cấp thẻ nhận diện phương tiện là các phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch được ưu tiên khi hoạt động trên các “luồng xanh” vận tải do Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương công bố.
Không chỉ mở “luồng xanh” trên khâu vận tải đường bộ, mới đây Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị triển khai phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc đường thủy (luồng xanh đường thủy) nhằm kịp thời vận chuyển hàng hóa thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; vật tư thiết bị y tế,... trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Tàu cao tốc di chuyển bằng đường thủy vận chuyển hàng hóa thiết yếu nêu tại mục 1 từ các tỉnh ĐBSCL đến địa bàn TP Hồ Chí Minh và ngược lại, cụ thể: Đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng- TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, việc mỗi địa phương thực hiện Chỉ thị 16 theo phương cách khác nhau, mỗi chốt lưu thông quy định, đòi hỏi những loại giấy thông hành khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh còn nhiều vướng mắc.
Không ít chuyến xe chở hàng hóa từ Vĩnh Long tới TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đã phải quay đầu, nhiều mặt hàng bị “ứ đọng, đóng băng” vì không qua được các chốt kiểm dịch.
Doanh nghiệp mong muốn được tạo thuận lợi
Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết: Hiện nay đơn đặt hàng rất nhiều nhưng cơ sở gặp khó khăn lớn về vấn đề lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Nhiều nhà phân phối trong khu cách ly hay ở địa phận các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp,… đều không bước qua được.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng gấp 2-3 lần so với bình thường, chưa kể việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và RT-PCR cũng chưa thống nhất gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa.
“Hiện cơ sở cũng đang tăng cường sản xuất do là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó, mặt hàng chao chiếm đến 70%.
Tuy nhiên vấn đề đăng ký mã QR Code của ngành giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn. Tôi đã thực hiện đăng ký online 4-5 ngày nay nhưng chưa thành công, do lượng truy cập quá tải”.
Chỉ mong ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cơ sở lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn”- chị Linh bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp tăng sản xuất do đơn đặt hàng tăng, nhưng còn gặp khó trong khâu vận chuyển. |
Theo Bộ GTVT, để ưu tiên, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp được lưu thông đi, đến hoặc đi qua khu vực, địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Bộ GTVT, các địa phương đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT lập tuyến “Luồng xanh”, xây dựng phần mềm để cấp giấy nhận diện có mã QR Code. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp được 36.912 xe.
Tuy nhiên, vẫn còn một số phương tiện chưa được cấp mã QR Code do hệ thống phần mềm liên tục bị quá tải từ sáng 26/7/2021, ảnh hưởng đến việc cấp mã QR Code cho các phương tiện vận tải.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương thống nhất chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện: Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đã được cấp giấy nhận diện phương tiện (có mã QR Code) còn hiệu lực, người điều khiển phương tiện có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm), lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát không kiểm tra các phương tiện này khi lưu thông qua chốt theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp chưa được cấp kịp thời giấy nhận diện phương tiện (có mã QR Code), nhưng người điều khiển phương tiện này đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu đang rất cấp bách, cần các cơ quan liên quan trực tiếp tháo gỡ, sao cho vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.
Bài, ảnh: TRÀ MY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin