Việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tránh được tình trạng thương lái ép giá, người dân an tâm sản xuất và giá bán lúc nào cũng bán cao hơn thị trường.
Việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tránh được tình trạng thương lái ép giá, người dân an tâm sản xuất và giá bán lúc nào cũng bán cao hơn thị trường.
Diện tích lúa liên kết được thu mua với giá cao hơn so với thị trường. |
Vụ lúa Hè Thu 2021 trên địa bàn Cần Thơ xuống giống hơn 75.000 ha, vượt hơn 4% so với kế hoạch, giá lúa trên thị trường có nhiều biến động, giá lúa tươi đang được thương lái thu mua dao động từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, giảm từ 350 - 1.000 đồng/kg so với giá đặt cọc trước đó, dẫn đến lợi nhuận ít hơn cùng kỳ năm trước.
Giá lúa Hè Thu không ổn định do thị trường xuất khẩu có nhiều biến động. Từ đầu vụ, thương lái đặt cọc người dân với giá cao, tuy nhiên sau đó giá lúa giảm nhiều thương lái giảm giá mua hoặc bỏ cọc. Giá lúa năm nay cao hơn vụ Hè Thu cùng kỳ năm trước nhưng người dân ít có lãi do giá vật tư, phân bón tăng cao. Hiện diện tích thu hoạch của Cần Thơ đạt khoảng 70.000 ha, năng suất dao động từ 5,6 - 5,7 tấn/ha tùy từng giống lúa.
Nông dân đang phụ thuộc vào thương lái
Nông dân Phan Thiện Khanh, ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, với diện tích hơn 1,7 ha trồng giống OM 380, năng suất ước đạt hơn 5 tấn/ha, với giá bán 5.100 đồng/kg, trừ hết chi phí thì mỗi công lãi hơn 1 triệu đồng.
Theo ông Khanh, hiện nay giá nhiều loại phân bón tại Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL tăng so với thời điểm cuối năm 2020 và đang ở mức cao trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh khiến lúa giảm năng suất, cộng thêm giá các loại thuốc trừ sâu bệnh tăng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đầu vào tăng cao và người dân ít có lãi.
“Giá cả đầu vụ cao đến khi thu hoạch lại thấp, chênh lệch với đầu vụ 1.000 đồng/kg. Vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng hơn các vụ các năm trước, thành ra vụ này nếu so sản lượng với giá bán, sau khi trừ chi phí nông dân không có lời nhiều”, ông Khanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Long Hồ, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, chi phí sản xuất tăng mà lúa lại không trúng mùa, ước chỉ đạt năng suất khoảng 600kg lúa tươi/công, với giá bán cho thương lái như hiện nay là 5.300 đồng/kg thì người dân ít có lãi.
“Đầu vụ thương lái đặt cọc 300.000 đồng/công với giá bán khoảng 6.000 đồng/kg, khi giá lúa xuống thì thương lái bỏ cọc hoặc ép giá người dân đành phải bán. Chi phí phân thuốc, nhân công quá cao nhưng giá lúa mùa này sụt giản nên nông dân vụ này chỉ lời có mấy trăm ngàn tiền công”, ông Long Hồ cho biết.
Liên kết doanh nghiệp để ổn định đầu ra
Anh Trương Minh Hải, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Mỹ Phát, huyện Cờ Đỏ cho biết, hợp tác xã hàng năm sản xuất lúa khoảng 200.000 ha lúa, đây là những giống chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Ngay từ đầu vụ, công ty đưa kỹ thuật, phân bón và lúa giống để hợp tác xã trồng theo quy trình đưa ra. Theo anh Hải, việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tránh được tình trạng thương lái ép giá, người dân an tâm sản xuất và giá bán lúc nào cũng bán cao hơn thị trường.
“Giá lúa hiện tại 5.550 đồng/kg đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và nói chung năm nay với giá bán như vậy là trúng giá hơn mọi năm chỉ có hơn 4.000 – 5.000 đồng/kg”, anh Hải cho hay.
Huyện Cờ Đỏ là địa phương có diện tích lúa lớn của Cần Thơ, mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, địa phương với thế mạnh nông nghiệp, hiện nay diện tích trồng lúa chiếm khoảng 26.000 ha, trong đó có 12 hợp tác xã liên kết với 20 doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá bán cao hơn so với thương lái thu mua khoảng 200 đồng/kg.
“Đối với vụ Hè Thu này do vụ Đông Xuân vừa qua trúng mùa, được giá cho nên một số bà con cũng có tư tưởng không ký hợp đồng ngay đầu vụ mà để chờ cuối vụ để mà bán giá so với giá thị trường. Tuy nhiên, qua vụ Hè Thu, những doanh nghiệp đã kí thu mua bao tiêu 100% sản phẩm, nên một số bà con kí sau chỉ hưởng giá như thời điểm đầu vụ, so với những đơn vị đã bao tiêu là có thấp hơn”, ông Kiệt cho biết.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, hiện địa phương đã thu hoạch được 70.000 ha trên tổng số hơn 75.000 ha lúa Hè Thu. Vụ lúa Hè Thu này, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng dẫn đến giá thành sản xuất đội lên nhiều so với vụ Hè Thu năm ngoái.
Theo ông Nghiêm, các giống lúa chất lượng cao vẫn được nông dân trồng để đáp ứng các đơn hàng của doanh nghiệp phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả khi nông sản làm ra có chỗ tiêu thụ, giá cả cao hơn so với thị trường. Ngoài vấn đề liên kết tiếp đang được triển khai trên lúa gạo, còn nhiều sản phẩm khác của Cần Thơ đang được liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của Cần Thơ.
“Ngành nông nghiệp tỉnh đang thúc đẩy nhiều giải pháp để hỗ trợ giúp bà con nông dân liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm với quy mô hàng hóa lớn, gắn với việc quy hoạch và thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung theo từng ngành hàng đối với từng vùng”, ông Nghiêm chỉ rõ.
Để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, cần tiếp tục tăng cường liên kết, phát huy vai trò của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, các hợp tác xã và tổ hợp tác trong quá trình liên kết để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu gạo, khẳng định được thương hiệu gạo Việt Nam./.
Theo Phạm Hải/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin