Hàng hóa dồi dào, tuy sức mua có tăng nhưng không có tình trạng ồ ạt đi mua hàng hóa tích trữ; đồng thời người dân, tiểu thương tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh là ghi nhận trước và sau 12 giờ ngày 9/7/2021- ngày đầu tiên thực hiện giãn cách trên địa bàn TP Vĩnh Long.
Chốt kiểm soát dịch hoạt động liên tục để kiểm soát người ra vào chợ. |
Hàng hóa dồi dào, tuy sức mua có tăng nhưng không có tình trạng ồ ạt đi mua hàng hóa tích trữ; đồng thời người dân, tiểu thương tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh là ghi nhận trước và sau 12 giờ ngày 9/7/2021- ngày đầu tiên thực hiện giãn cách trên địa bàn TP Vĩnh Long.
Sức mua tăng, hàng hóa đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 9/7/2021, lượng khách đến mua hàng hóa thiết yếu tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tăng hơn những ngày trước. Tuy nhiên, người dân không đi tập trung quá nhiều cùng một lúc mà rải đều trong buổi sáng.
Tại chợ Vĩnh Long, theo nhiều tiểu thương, vài ngày nay, giá một số mặt hàng đã tăng 5- 10% so với tháng trước. Cụ thể, trứng các loại tăng 3.000- 5.000 đ/chục, rau, củ tăng 5.000- 7.000đ/kg, thịt heo tăng 10.000- 15.000đ/kg,…
Đang chọn mua thịt, cô Phạm Anh Thư (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi tranh thủ trước giờ giãn cách mua thêm vài ký thịt để dành ăn trong 3- 4 ngày, chứ không mua nhiều vì chợ mở bán suốt. Nghe trên báo đài tôi cũng hạn chế ra ngoài, hoặc khi thật cần thiết đi chợ mua đồ ăn tôi cũng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, về nhà là vệ sinh tay chân kỹ càng”.
Ghi nhận tại một số cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng gạo, hàng hóa dồi dào, các mặt hàng thiết yếu như gạo, nước mắm, gia vị, dầu ăn, được chủ cửa hàng bày bán đa dạng chủng loại.
Đến trưa cùng ngày, nhiều quầy, cửa hàng tại chợ Vĩnh Long đã đóng cửa, chỉ có một số quầy hàng buôn bán, kinh doanh mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm còn tiếp tục hoạt động. Các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh cũng hoạt động xuyên suốt.
Tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, lượng khách đến mua các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, mì, thịt, trứng, sữa,… cũng tăng 40- 50% so với những ngày trước đó. Bên cạnh, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, Zalo cũng tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều người dân cho hay, không có tâm lý dự trữ nhiều mà chủ yếu mua những mặt hàng thật sự cần thiết để sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra đường.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho hay: Vài ngày nay khách hàng tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu như: gạo, mì gói, đồ hộp… Tuy nhiên, để không tạo sự khan hiếm hàng nhất thời ảnh hưởng thị trường, khuyến cáo người dân, khách hàng không nên tích trữ nhiều để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe khi chen nhau mua hàng.
“Siêu thị mở cửa xuyên suốt, khách hàng có thể mua bằng nhiều hình thức, mua online đến mua trực tiếp. Tùy theo sức mua của thị trường mà siêu thị sẽ nhập hàng để đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, siêu thị có chương trình bình ổn giá để đảm bảo hàng hóa phục vụ cho khách hàng”- ông Văn Quốc Hoàng cam kết.
Quyết liệt thực hiện phòng chống dịch bệnh tại chợ, siêu thị
Để khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh tại chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Sở đã đề nghị UBND các huyện- thị- thành chỉ đạo đơn vị chức năng quản lý tổng hợp danh sách các tiểu thương và nhân viên tại các chợ, liên hệ đến trung tâm y tế các huyện- thị- thành để tổ chức test nhanh SARS-CoV-2 tại địa bàn được xếp ở mức nguy cơ cao, nguy cơ rất cao hoặc những nơi F0 từng đến theo kết quả truy vết của ngành y tế.
Chợ vắng trước giờ thực hiện giãn cách. |
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương nâng cao ý thức, chủ động đăng ký test nhanh tại các ban quản lý chợ, các tổ chức quản lý chợ đối với các địa bàn còn lại, nâng cao cảnh giác đối với tình hình dịch bệnh ở mức cao nhất trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong giao dịch, mua bán với người từ các tỉnh, thành có dịch; yêu cầu nhân viên, tiểu thương thực hiện giãn cách, tuân thủ chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch và thực hiện đầy đủ các biện pháp “5K” của Bộ Y tế. Kinh phí test nhanh do các hộ tiểu thương chi trả.
Còn đối với chợ Vĩnh Long- nơi mua bán tập trung với số lượng tiểu thương, khách hàng mua bán nhiều nên nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, Sở Công thương đề nghị Ban quản lý chợ Vĩnh Long tổng hợp danh sách các tiểu thương và nhân viên tại chợ Vĩnh Long và liên hệ đến Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tổ chức test nhanh SARS-CoV-2. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Song song đó, “các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần tiếp tục duy trì và đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch của sở về việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch COVID-19, phải chủ động nguồn hàng hóa, phân phối đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân”- ông Trương Thanh Sử đề nghị.
Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- khuyến cáo: Qua khảo sát diễn biến thị trường những ngày qua cho thấy chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi đã chủ động phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trước đó. Dù sức mua của người dân trong mấy ngày qua có tăng mạnh, nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo. Việc người dân cần làm bây giờ là thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin