Đợt dịch COVID-19 thứ tư đang lây lan mạnh ra nhiều địa phương trên cả nước đã kéo theo việc tiêu thụ nông sản ở nhiều vùng sản xuất lớn, đặc biệt là trái cây rơi vào cảnh khó tiêu thụ.
Đợt dịch COVID-19 thứ tư đang lây lan mạnh ra nhiều địa phương trên cả nước đã kéo theo việc tiêu thụ nông sản ở nhiều vùng sản xuất lớn, đặc biệt là trái cây rơi vào cảnh khó tiêu thụ.
Tránh “vết xe” ách tắc trong tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông ở Hải Dương như trong đợt dịch lần thứ ba, ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, những mô hình kết nối tiêu thụ nông sản chính quy, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương đã đưa nông sản nhanh hơn tới người tiêu dùng.
Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Chủ động kết nối
Trước khi bước vào thu hoạch vụ vải năm nay, Bắc Giang – địa phương đứng đầu về sản lượng vải đã có những ca nhiễm COVID-19. Một vụ vải đang kết trái ngọt chờ ngày thu hái tưởng chừng như sẽ gặp phải trái đắng.
Nhưng với sự nỗ lực từ người dân đến chính quyền địa phương, Trung ương đặt ra các phương án trong các tình huống có thể xảy ra đã đem lại những hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp trong kết nối, hỗ trợ tiêu thụ.
Ngay khi phát hiện ca nhiễm trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang vừa nhanh chóng khoanh vùng các ca nhiễm vừa khoanh vùng khu vực vùng trồng vải thiều để đảm bảo an toàn vùng này không có đối tượng nhiễm COVID-19.
Cơ quan chức năng tỉnh lập chốt kiểm dịch từ khi dịch còn chưa bùng phát, không cho người ra vào khu vực trồng vải thiều khi không có nhiệm vụ.
Bước vào vụ thu hoạch, UBND Bắc Giang chỉ đạo ngay việc ưu tiên lưu thông những xe chuyên chở vải thiều trên những tuyến đường như Quốc lộ 37, Quốc lộ 279…
Những xe chuyên chở vải thiều ra khỏi địa bàn tỉnh đều được cấp “Giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn”, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu vệ sinh dịch tễ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nông sản được vận chuyển trên nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại, cửa khẩu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có những giải pháp tối ưu để hỗ trợ các địa phương trong vận tải đảm lưu thông hàng hoá, nhất là nông sản nhưng vẫn đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Với vai trò của mình, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các tỉnh xây dựng phương án tiêu thụ vải thiều cũng như mặt hàng nông sản khác nhằm đổi mới mọi mặt về xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Bộ cũng cập nhật thông tin thị trường và chính sách xuất nhập khẩu của các nước, kịp thời phổ biến đến người dân và doanh nghiệp.
Các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa các tỉnh, thành phố trong nước và các điểm cầu tại Trung Quốc đã diễn ra. Các tỉnh cũng tổ chức các phiên giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Từ việc đưa quả vải chinh phục thành công thị trường Nhật Bản trong bối cảnh dịch COVID-19 năm ngoái đến vụ vải năm nay, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đánh giá, sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của nông dân đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vải. Không chỉ quả vải, thời gian tới, công ty sẽ tập trung nguồn lực mang nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng ra thế giới.
Mỗi khi nông sản gặp phải tình trạng rớt giá, không tiêu thụ được thì những hình ảnh, tinh thần thiện nguyện của mọi người dân chung tay tiêu thụ nông sản lại dấy lên.
Hướng tới những mô hình đó phải được chuẩn hóa để vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đoàn thể xây dựng những điểm mẫu tiêu thụ chính quy, chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan hy vọng, mô hình phối hợp này sẽ tạo sự chuyển động trong mục tiêu của ngành nông nghiệp là vừa gia tăng giá trị xuất khẩu vừa chú trọng thị trường trong nước - thị trường cũng đòi hỏi nông sản sạch, an toàn và có trách nhiệm với xã hội.
Gần 2 tháng nữa vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Sông Mã mới bước vào vụ thu hoạch. Nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 khó lường, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nơi đây đã bắt đầu chủ động kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Huyện Sông Mã đã xây dựng hai phương án tiêu thụ sản phẩm nhãn; cùng tỉnh hỗ trợ 2 hợp tác xã xây dựng kho lạnh để bảo quản quả nhãn tươi.
Ông Đào Ngọc Bằng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Chiềng Khoong cho biết, để chủ động trong vụ nhãn năm nay, hợp tác xã đã tìm hiểu, kết nối với các thương lái cũng như các cơ sở kinh doanh, buôn bán trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã hướng đến 3 kênh tiêu thụ chính là: tiếp tục duy trì tiêu thụ qua các siêu thị, chợ đầu mối trong nước; phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu quả tươi; làm long nhãn.
Đẩy mạnh thương mại điện tử, chuyển đổi số
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cho các vị khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN |
Dịch COVID-19 khiến việc di chuyển, đi lại khó khăn, cũng bởi vậy việc mua bán nông sản trên nền tảng số đã tăng lên mạnh mẽ.
Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống. Nông dân có thể mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố nhờ ưu thế của công nghệ.
Các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… đều triển khai những phương án thu mua, vận chuyển nhanh và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng.
Từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso và Postmart, ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến.
Từ chỉ một vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây thì nay có ngày đã lên tới từ 36.000-37.000 đơn đặt mua quả vải. Các sàn đã kết nối hàng trăm nghìn hộ gia đình mua được những trái vải tươi ngon trong 48 tiếng.
Cũng từ thành công này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng, thời gian tới sẽ là hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nông sản khác được đưa lên sàn thương mại điện tử, kết nối người mua và người sản xuất.
Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được khó khăn cho nông dân, nhưng sàn này phải kết nối được tất cả nông dân và người tiêu dùng.
Sàn thương mại điện tử sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón... Sàn đảm bảo sản phẩm có chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.
Trước việc phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đó là sự không rõ về thông tin đã và đang ảnh hưởng đến mối quan hệ cung - cầu.
Người sản xuất “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất sẽ dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung - cầu.
Minh bạch hoá nền nông nghiệp sẽ là giải pháp hữu hiệu để hạn chế rủi ro do đứt khúc cung - cầu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cơ quan quản lý chuyên ngành.
Mặt khác, tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hoá thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hoá sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay. Ngành nông nghiệp sẽ bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu.
Theo Bích Hồng (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin