Mới đây, "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp" giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp- PTNT được kỳ vọng góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Mới đây, “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp” giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp- PTNT được kỳ vọng góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Khoai lang tím Vĩnh Long được đánh giá cao về tiềm năng thị trường. |
Bắt tay xây dựng thương hiệu nông sản
Ngày 13/7, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp- PTNT ký kết hợp tác nhằm chung tay khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam. Thông tin tại lễ ký kết cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông- lâm- thủy sản năm 2020 đạt 37,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, ước đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian vừa qua, công tác phối hợp giữa 2 bộ này đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông- lâm- thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp như: gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói... Việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông- lâm- thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế ta có được từ các FTA. Từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông- lâm- thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.
Chương trình 2 bộ ký kết sẽ phát huy hơn nữa các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông- lâm- thủy sản trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ như: phát triển công nghiệp hướng tới phục vụ nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành công thương, góp phần cùng Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và dần thay đổi nền nông nghiệp truyền thống; thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông- lâm- thủy sản; đẩy mạnh quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; điện khí hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cần phải gắn kết thông tin kịp thời giữa đầu cung do Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý và đầu cầu do Bộ Công thương quản lý. Quyết định hợp tác giữa 2 bộ đã giúp mở ra một bước ngoặt trong việc giải quyết bài toán thị trường”.
Từ thành công của trái vải thiều
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 ghi nhận lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hình thức “sàn thương mại điện tử xuyên biên giới”. Bộ Công thương đã tiên phong trong việc xúc tiến mở “luồng xanh” tiêu thụ vải thiều góp phần tạo nên kỳ tích của tỉnh Bắc Giang: tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng trong bối cảnh dịch.
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, với sự chuẩn bị kỹ càng, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, bộ đã khẩn trương triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, Bộ Công thương đồng thời đẩy mạnh xúc tiến phân phối vải thiều Hải Dương, Bắc Giang cũng như các nông sản Việt Nam trên nền tảng trực tuyến. Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, sản lượng tiêu thụ vải thiều qua thương mại điện tử năm 2021 đạt khoảng trên 6.000 tấn.
Năm 2021 cũng là năm lần đầu tiên Bộ Công thương triển khai chương trình hỗ trợ nông sản có sự tham gia của đủ 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho sự kiện “vải thiều Bắc Giang” bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada/Foodmap bên cạnh sự đồng hành của các đơn vị chuyển phát và các kênh phân phối truyền thống như BigC, Vinmart.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều trái cây thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao như mận hậu, xoài dài Sơn La, lê thơm Tai Nung Lào Cai, nho xanh Ninh Thuận, khoai lang tím Vĩnh Long, sầu riêng Ri6 Trà Vinh, bơ Đắk Lắk, nhãn xuồng Tây Ninh- Vĩnh Long, cam sành Vĩnh Long, roi An Phước, vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang và sắp tới là mùa nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận... Do đó, để đồng hành cùng người nông dân cũng như quảng bá trái cây Việt Nam, Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” với hàng chục loại nông sản các vùng miền địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngoài trái vải, để tiếp tục đưa được những trái cây tươi ngon khác của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Nông dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra. |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin