Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Vĩnh Long có nhiều lợi thế riêng về phát triển sản phẩm OCOP

03:07, 15/07/2021

Được triển khai từ năm 2018 đến nay, Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm- còn gọi là chương trình OCOP- đã mang lại kết quả tích cực, không chỉ giúp nâng tầm nông sản Việt Nam nói chung, của Vĩnh Long nói riêng mà còn góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, người sản xuất.

 

Được triển khai từ năm 2018 đến nay, Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm- còn gọi là chương trình OCOP- đã mang lại kết quả tích cực, không chỉ giúp nâng tầm nông sản Việt Nam nói chung, của Vĩnh Long nói riêng mà còn góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, người sản xuất.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời để tìm hiểu về vấn đề phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian qua.

 

Ông Lữ Quang Ngời.
Ông Lữ Quang Ngời.

* Thưa ông, Chương trình OCOP đã tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà chương trình đã đem lại trong thời gian qua? Đối với tỉnh Vĩnh Long có những thuận lợi riêng nào để phát triển sản phẩm OCOP.

- Nhằm cụ thể chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 2512/QĐ-UBND ngày 15/11/2018 về việ ban hành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP). Năm 2019, chương trình bắt đầu khởi động. Đến nay, đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, bước đầu, khi triển khai thực hiện chương trình, các cấp, các ngành đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức từ đó đã thu hút được nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia. Ngay trong năm đầu triển khai (2019) tỉnh đã công nhận 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và đến cuối năm 2020 có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao và 36 sản phẩm đạt 3 sao với 35 ngành hàng.

Các sản phẩm nổi bật như: bún tươi, bánh canh, phở của cơ sở sản xuất Ba Khánh; bánh tráng nem Cù lao Mây; tàu hủ ky Mỹ Hòa; bánh tráng giấy Tường Lộc; khô cá lóc Phú Thành, khoai lang sấy, bánh phồng khoai lang….

Các sản phẩm đạt OCOP được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế, nhằm đạt mục đích tối cao của Chương trình OCOP là phát triển kinh tế nông thôn.

Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Vĩnh Long có lợi thế riêng về phát triển sản phẩm OCOP đó là: Thứ nhất, Vĩnh Long với lợi thế về cây ăn trái, thời gian qua đã hình thành rõ rệt các chuỗi giá trị nông sản, nhất là đối với các loại cây trồng chủ lực, việc sản xuất nông nghiệp thực hành tốt, hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, đây là thuận lợi cơ bản cho phát triển các sản phẩm OCOP chế biến, đóng gói từ nguyên liệu là trái cây như: bưởi Năm Roi, chôm chôm, cam sành, thanh long, sầu riêng,….

Thứ hai, các sản phẩm OCOP chế biến từ gạo luôn có sẵn vùng nguyên liệu tại chỗ, đây là các mặt hàng truyền thống, dễ tiêu thụ như: bún, bánh canh, bánh tráng,… Thứ ba, với hệ thống các làng nghề, làng nghề truyền thống sẵn có, các sản phẩm OCOP cũng được ưu tiên phát triển theo các làng nghề. Bên cạnh đó, tuổi trẻ Vĩnh Long tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp trong đó có khởi nghiệp bằng hình thức sản xuất ra sản phẩm OCOP, đã công nhận một số sản phẩm khởi nghiệp như: snack nấm bào ngư, tảo xoắn Mê kông, trà khổ qua,….Vì vậy, sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có thế mạnh và
đa dạng.

* Theo nhiều đơn vị triển khai, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Theo ông, những khó khăn, hạn chế hiện nay khi triển khai chương trình này là gì?

- Trong thời gian qua, các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản trong tỉnh hầu hết chỉ sản xuất và tập kết sản phẩm, thương lái đến tận nơi để mua hàng nên các thông tin về thị trường còn rất yếu. Chỉ bán được hàng thô nên không có được thông tin về mẫu mã sản phẩm hàng hóa đang ngày càng đa dạng trên thị trường, thiếu kỹ năng tiếp cận thị trường nên không thâm nhập được vào các thị trường cao cấp hơn như siêu thị, các kênh phân phối an toàn, giao dịch với các đối tác lớn, thiếu các kỹ năng và phương tiện trong giao thương để tự giới thiệu sản phẩm, không sử dụng được công nghệ thông tin hiện đại để nhận hàng, giao hàng, báo giá….; chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quảng bá tìm kiếm thị trường vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa được như mong đợi.

Thực tế là lãnh đạo chính quyền một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Nhận thức về xác định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chưa thật sự nhất quán, nhân lực thực hiện chương trình tại địa phương còn mỏng và yếu,....

* Để thương hiệu sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả và bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay, đòi hỏi địa phương phải có những hướng đi mới, phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Theo ông, thời gian tới, các chủ thể sản xuất cần phải làm gì và địa phương cần có giải pháp nào, kế hoạch phát triển chương trình ra sao để các sản phẩm này đủ sức cạnh tranh?

- Hiện nay, để có thể đáp ứng được các mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, sản phẩm OCOP cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn chứng nhận 5 sao cấp quốc gia, trong đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc quy định của thị trường đích. Tỉnh Vĩnh Long hiện đang có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, thời gian tới chúng tôi sẽ lựa chọn các sản phẩm 4 sao có tiềm năng, triển vọng để phấn đấu đạt được tiêu chuẩn 5 sao trên một số sản phẩm như: gạo hữu cơ, sầu riêng Sáu Ri, Bưởi Năm Roi, khoai lang và sản phẩm chế biến từ
khoai lang…

Đối với chủ thể sản xuất để có thể phát triển hiệu quả và bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay cần phải xây dựng được thương hiệu và bảo vệ chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng hạng để đạt được tiêu chuẩn chứng nhận 5 sao cấp quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương tranh thủ các chương trình, dự án của tỉnh, của trung ương đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hơp tác xã là chủ thể của sản phẩm OCOP phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Sắp tới tỉnh sẽ chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng Đề án OCOP giai đoạn 2021- 2025 và tham mưu tỉnh ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

THẢO NGUYÊN (thực hiện) 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh