Chợ, siêu thị hoạt động bình thường, đừng lo thiếu hàng hóa

06:07, 21/07/2021

Tiểu thương, người bán hàng lẫn người dân đến mua hàng được phân luồng, giãn cách, tuân thủ "5K",... Đồng thời, nhiều đơn vị cam kết đảm bảo lượng hàng đủ nhu cầu người dân, kèm theo hình thức bán hàng trực tuyến, online, qua điện thoại, giao hàng tận nơi.

 

Chợ, siêu thị mở cửa hoạt động bình thường.
Chợ, siêu thị mở cửa hoạt động bình thường.

(VLO) Sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn mở cửa hoạt động bình thường.

Tiểu thương, người bán hàng lẫn người dân đến mua hàng được phân luồng, giãn cách, tuân thủ “5K”,... Đồng thời, nhiều đơn vị cam kết đảm bảo lượng hàng đủ nhu cầu người dân, kèm theo hình thức bán hàng trực tuyến, online, qua điện thoại, giao hàng tận nơi.

Chợ hoạt động bình thường, không lo thiếu hàng

Ông Nguyễn Văn Tươi- Giám đốc Hợp tác xã chợ Vũng Liêm, cho biết: Chợ Vũng Liêm có khoảng 300 hộ tiểu thương. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, chợ đã cho tạm đóng cửa khoảng 40% hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.

Theo đó, các hộ tiểu thương được phép mở cửa thì phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, người dân cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang mới được vào chợ.

“Các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm,… vẫn mở cửa bình thường, đảm bảo đủ cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết nên người dân không cần phải lo lắng thiếu hàng”- ông cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long- cho hay: “Hiện chợ đã cho khoảng 800 hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm đóng cửa.

Trước ngày có thông báo tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, có tình trạng người dân đổ xô đến chợ mua các loại rau, củ, quả, thịt cá, trứng... khiến giá các mặt hàng này tăng.

Tuy nhiên, qua khảo sát tình hình tại chợ vào sáng 19/7/2021, sức mua tại chợ đã giảm hơn, người dân cũng hạn chế đi chợ. Hàng hóa tại chợ đa dạng, đảm bảo cung đủ cầu, giá đã ổn định trở lại”.

Còn tại siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hàng hóa cũng dồi dào, nhiều hình thức bán hàng để phục vụ khách hàng. Trước đó, nhiều đơn vị đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.

Tại Siêu thị Cop.opmart Vĩnh Long, tình hình cung ứng và giá cả các mặt hàng như: gạo, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, gia vị, thực phẩm khô, nước rửa tay,… có giá ổn định, không khan hiếm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh tăng lượng hàng, siêu thị cũng tăng cường phục vụ bán hàng qua điện thoại, online.

Còn tại Bách hóa Xanh, lượng hàng cũng đầy đủ, siêu thị có phân luồng lối đi, đo thân nhiệt, màn chắn để bảo vệ sức khỏe khách hàng lẫn nhân viên.

Anh Giáp Thanh Vũ- Quản lý Cửa hàng Bách hóa Xanh khu vực Vĩnh Long- cho biết: Hiện toàn tỉnh có 44 cửa hàng Bách hóa Xanh, hàng hóa luôn được châm liên tục để đảm bảo nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Riêng mặt hàng rau, củ quả, mặt hàng tươi sống được cung cấp hàng mỗi ngày, bên cạnh phân phối hàng từ kho tổng, các cửa hàng còn tăng cường nhận hàng rau, củ tại địa phương sản xuất để hỗ trợ tiêu thụ cùng nông dân.

“Cửa hàng đảm bảo 200- 300% công suất để phục vụ khách hàng, do lượng khách hàng mua trực tiếp nhiều nên cửa hàng tập trung phục vụ khách đến, vào các khung giờ vắng hay ít khách (từ 14g- 16g), cửa hàng cũng có triển khai thí điểm giao hàng tận nơi cho khách trong phạm vi 5km, tại TP Vĩnh Long, Trà Ôn, Tam Bình. Hướng sắp tới cũng sẽ nhân rộng toàn hệ thống”- anh Giáp Thanh Vũ nói thêm.

Khuyến cáo không tích trữ, không găm hàng

Mới đây, Sở Công thương tỉnh cũng đã có văn bản hướng dẫn các loại hình kinh doanh hàng hóa thiết yếu thuộc ngành công thương quản lý được phép kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, chỉ cho chợ bán hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau củ quả, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu hàng ngày,…

Đồng thời, khuyến khích các hình thức đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- cho biết: Sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách, nhìn chung, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả tương đối ổn định, hàng hóa đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng tăng giá 20- 30% so với bình thường. Nguyên nhân tăng là do thiếu nhân công thu hoạch, tăng phí vận chuyển, một số người dân có tâm lý sợ dịch nên mua hàng nhiều khiến một số ít mặt hàng hút hàng mạnh. Song, đều nằm trong giới hạn kiểm soát.

Công tác phòng chống dịch bệnh tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng được đảm bảo, thực hiện tốt.

Một số nơi có phát phiếu luân phiên đi chợ chẵn- lẻ cho người dân để hạn chế tập trung đông người, đồng thời một số đơn vị đăng ký bán hàng thiết yếu (cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch) để giảm áp lực cho chợ truyền thống.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, qua khảo sát, vẫn còn một số bộ phận người dân đi ra ngoài khi không cần thiết, ở chỗ này nhưng đi chợ chỗ kia, chưa thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng chống dịch của ngành chức năng.

“Thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp- PTNT để nắm tình hình sản xuất kinh doanh, dự báo tình hình cung cầu để đảm bảo sản xuất hàng hóa phục vụ người dân; phối hợp chặt chẽ Sở Giao thông vận tải nắm tình hình, tạo điều kiện tốt nhất lưu thông hàng hóa; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu thông rõ khuyến cáo của địa phương, như nên tăng cường đặt hàng qua mạng, nên mua hàng dùng cho nhiều ngày, ở đâu đi chợ ở đó...

Đặc biệt, khuyến cáo người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ, cửa hàng, cơ sở không tăng giá hàng hóa vô lý. Ngành chức năng sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...”- ông Kiên khẳng định.

Để góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Cục đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, ra quân kiểm tra tuyên truyền nhắc nhở các điểm bán hàng, hộ tiểu thương, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cho ký cam kết không tăng giá bất hợp pháp, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không lợi dụng tình hình bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã thông báo địa chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh và đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị và người dân về các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh,… Qua kiểm tra thực tế việc người dân đến chợ mua hàng tăng là có xảy ra nhưng chưa phát hiện việc mua gom hàng, găm hàng, nâng giá làm bất ổn thị trường.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh