Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dịch bệnh đang làm ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản ở nhiều tỉnh- thành cả nước. Liên tục nhiều ngày qua, Bộ này đã thành lập nhiều đoàn đi tìm hiểu ở nhiều vùng trồng và các cửa khẩu; đồng thời trực tiếp làm việc với các đối tác nhập khẩu nông sản Việt Nam để đàm phán tìm đầu ra cho những mặt hàng này ổn định.
(VLO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dịch bệnh đang làm ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản ở nhiều tỉnh- thành cả nước. Liên tục nhiều ngày qua, Bộ này đã thành lập nhiều đoàn đi tìm hiểu ở nhiều vùng trồng và các cửa khẩu; đồng thời trực tiếp làm việc với các đối tác nhập khẩu nông sản Việt Nam để đàm phán tìm đầu ra cho những mặt hàng này ổn định.
Giá cả nhiều mặt hàng sụt giảm
Sáng 3/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19”.
Mục tiêu là tìm kiếm những giải pháp phù hợp với tình hình mới, cùng thống nhất phương thức hành động hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được nhiều kết quả hơn nữa về ổn định đầu ta nông sản trong điều kiện dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.
Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở một số mặt hàng cụ thể, bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan. Đặc biệt, ách tắc trong khâu lưu thông do dịch COVID- 19 khiến cho nhiều nông sản “dội chợ” rớt giá cục bộ.
Tại Vĩnh Long, theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp- PTNT, ngoài sản xuất lúa gạo nhờ “trúng mùa, trúng giá nông dân rất phấn khởi”, thì nhiều mặt hàng cây ăn trái và rau màu giảm giá bán và diện tích, đặc biệt khoai lang Tím Nhật dưới giá thành sản xuất.
Cụ thể, lúa Hè Thu đến nay đã xuống giống dứt điểm lúa với 45.267 ha, đạt 87,9% kế hoạch, giảm 6,3% (3.030 ha) so cùng kỳ. Cây màu xuống giống 16.183 ha, đạt 77,8% kế hoạch, giảm 3% (508 ha). Từ giữa tháng 3 đến nay khoai lang có giá giảm dần, ở mức khoảng 1.000 đồng/kg bán tại ruộng.
Không nhiều thương lái đến thu mua xuất khẩu như thời gian trước, gây khó khăn cho người trồng, Bên cạnh, nhiều cây ăn quả khác cũng có xu hướng giảm như: chôm hôm Java 20.000 đ/kg, giảm 17.000đ so tháng trước, sầu riêng 60.000 đ/kg, giảm 10.000đ.
Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân chung tay giải cứu khoai lang Bình Tân. |
Báo cáo cụ thể tình hình sản xuất và tiêu thụ khoai lang tại hội nghị, ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết hàng năm tỉnh trồng hơn 14.000 ha, sản lượng 350 ngàn tấn.
Khó khăn hiên nay chỉ có 1 nhà máy chế biến, sản lượng 2.000- 3.000 tấn/năm, còn lại xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, do dịch bệnh nên việc tiêu thụ hết sức khó khăn. “Cách đây khoảng 2 tuần giá khoai chỉ còn 1.000 đ/kg, trong khi phải 5.000 đ/kg thì nông dân mới có lãi.
Trước tình hình đó chúng tôi đã phát động chia sẻ giải cứu, giá khoai bán tăng được 3.000đ, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt, nông dân vẫn còn thua lỗ”- ông Trương Thành Dãnh cho biết thêm.
Vĩnh Long kiến nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến và đa dạng thị trường tiêu thụ nông sản. |
Về lâu dài, ông kiến nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kho chứa và nhà máy chế biến. Chủ trì các bộ ngành liên quan thực hiện xúc tiến thương mại, chế biến đa dạng thị trường khoai lang, tiếp tục đàm phán thị trường Trung Quốc xuất khẩu chính ngạch tìm đầu ra ổn định cho mặt hàng này.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, Vĩnh Long phải rà soát chỉ đạo kế hoạch sản xuất. Đặc biệt trong mùa dịch này khuyến cáo bà con sản xuất hợp lý, không để tình trạng đến hẹn lại lên, cuối cùng giải cứu nông sản là không nên!
Khởi sắc đầu ra cho khoai lang
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam, cho biết thời gian qua bộ này có nhiều cuộc họp tìm đầu ra nông sản trước tình hình dịch bệnh. Qua đó, ở một số địa phương xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, góp phần nông sản có đầu ra ổn định.
Còn mới đây, đã thành lập nhiều đoàn đến những vùng sản xuất nông sản lớn để khảo sát, đồng thời lên cửa khẩu tìm hiểu tình hình trực tiếp, yêu cầu các đơn vị túc trực 24/24 giải quyết nhanh khó khăn.
“Chúng ta phải cố gắng để không còn muốn nhắc đến từ giải cứu nông sản”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng muốn làm được cần có kế hoạch trong sản xuất, chặt chẽ kiểm dịch, cấp mã số vùng trồng.
“Trong ngày hôm qua chúng tôi cùng tham tán của Trung Quốc lên cửa khẩu họp thống nhất một số vấn đề tìm đầu ra nông sản. Với sự nỗ lực này, phía nước bạn cũng vừa phản hồi, trước mắt tạm thời cho xuất sang một số nông sản nhưng phải làm đúng quy trình yêu cầu đối tác”.
Cung cấp thêm thông tin việc đầu ra cho khoai lang, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết, ngày hôm qua đã nhận được công hàm phía Trung Quốc đồng ý cho phép xuất khẩu khoai lang tạm thời nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về cầu thông số kỹ thuật.
“Chúng tôi đã liên hệ với tỉnh Vĩnh Long- nơi có diện tích khoai trồng nhiều để hướng dẫn thực hiện. Trường hợp tỉnh không có cơ sở đóng gói, chúng tôi sẽ yêu cầu thiết lập việc này trong thời gian sớm nhất”- bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương cần xây dựng và nhân rộng mô hình cung ứng nông sản theo chuỗi khép kín, đặc biệt theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý các vướng mắc kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc ... Đối với nông sản của thị trường xuất khẩu; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch COVID-19. |
Bài, ảnh: MINH ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin