Tổng cục Quản lý thị trường triển khai kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản

07:05, 31/05/2021

Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung.

 

Vận chuyển vải đến điểm thu mua tại huyện Tân Yên ngày 28/5. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Vận chuyển vải đến điểm thu mua tại huyện Tân Yên ngày 28/5. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung.

Nhằm tạo thuận lợi trong lưu thông và hỗ trợ tiêu thụ nôSao chép⌘+Cng sản, Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Quyết định số 1590-QĐ-TCQLTT triển khai Chỉ thị số 08-CT-BCT ngày 25-5-2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.  

Đây cũng là nội dung của ngành công thương triển khai Nghị quyết số 84-NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, kế hoạch này được tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc, thống nhất; phân công trách nhiệm cụ thể, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian hoàn thành.

Nhiệm vụ trọng tâm

Ông Trần Hữu Linh cho biết, tại Quyết định này, Tổng cục yêu cầu yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08-CT-BCT và Chỉ thị số 07-CT-BCT ngày 12/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đồng thời, quy trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị quản lý thị trường các cấp trong quản lý, điều hành đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cũng như thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các đơn vị và đề xuất biện pháp giải quyết, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 08-CT-BCT và Công văn số 1083-BCT-TTTN ngày 1/3/2021 của Bộ Công Thương hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Cụ thể như việc phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng ... tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn; ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, xoài, dưa hấu, hành củ...

Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện khi vận chuyển hàng hoá thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản khi lưu thông qua địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm bảo đảm hàng hoá thiết yếu, nông sản an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được lưu thông thông suốt.

Mặt khác, khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng và huy động hỗ trợ khi cần thiết.

Thông qua hoạt động quản lý địa bàn, phối hợp các cơ quan, đơn vị thông tin truyền thông thực hiện tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân tăng tiêu thụ, sử dụng nông sản trong nước an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Cũng theo Quyết định này, Tổng cục yêu cầu Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng nông sản trên thị trường.

Nhân rộng mô hình

Là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị số 08 của Bộ Công Thương và Quyết định số 1590-QĐ-TCQLTTT của Tổng cục Quản lý thị trường về triển khai hỗ trợ các biện pháp tiêu thụ nông sản cho vùng dịch, dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hòa Bình, Đội Quản lý thị trường số 3 đã “mở màn” phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh, vận chuyển 1 xe vải thiều, với tổng trọng lượng 2,5 tấn từ tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải ngay trên địa bàn tỉnh.

Tại điểm bán hàng hàng lưu động do Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn dựng lên ở thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, giữa cái nắng 40 độ, hình ảnh kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 3 với trang phục ngành cầm những chùm vải trên tay giao bán vải đã khiến không ít người tò mò dừng xe và mua vải.

Ông Nguyễn Bá Thức - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hòa Bình cho hay, với nhiệm vụ mới vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường giao, Cục Quản lý thị trường Hòa Bình tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ hỗ trợ bà con nông dân tại tỉnh Bắc Giang nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, cũng như góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, để mang những trái vải thiều từ tâm dịch Bắc Giang, phải mất 8 tiếng đồng hồ một chuyến xe mới có thể quay về vị trí xuất phát. Bởi hiện nay, việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vận chuyển nông sản từ tỉnh sang các địa phương khác và ngược lại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, công tác khử khuẩn, phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy lái xe phải thực hiện đầy đủ các bước khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện cả khi vào và ra khỏi Bắc Giang. Ngoài ra, việc hỗ trợ thu mua, bốc xếp, khử khuẩn sẽ được thực hiện tại Bắc Giang và về đến Hòa Bình sẽ tiếp tục là các bước khử khuẩn của bộ phận y tế địa bàn để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch

Với mong muốn “chia lửa” khó khăn cùng người nông dân tỉnh Bắc Giang, nên lực lượng quản lý thị trường Hòa Bình xác định dù phải bù lỗ nhưng giúp được bà con nông dân tiêu thụ là nhiệm vụ nên làm.

Vì thế, giá vải được Đội Quản lý thị trường số 3 thu mua tại vườn ở Bắc Giang là 17.000 đồng-kg, về đến Hòa Bình vải được bán tại điểm hỗ trợ bán hàng là 20.000 đồng-kg.

Không chỉ vận chuyển vải thiều về tiêu thụ tại địa bàn Hòa Bình, trước mỗi chuyến xe vận chuyển vải về sẽ là những nông sản của Hòa Bình vận chuyển đến điểm phân phối tại vùng dịch Bắc Giang.

Do đó, trong chuyến xe đầu tiên, Đội Quản lý thị trường số 3 đã hỗ trợ nông dân vùng dịch 600kg nông sản là rau củ quả của địa phương để ủng hộ phòng chống dịch tại đây.

"Trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 2 chuyến hàng với tổng khoảng 4-5 tấn vải thiều được vận chuyển về tiêu thụ tại điểm bán hàng của Đội Quản lý thị trường số 3 và nếu hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình này tại một số Đội trên địa bàn Hòa Bình" - ông Nguyễn Bá Thức, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hòa Bình chia sẻ.

Theo kế hoạch, mô hình này sẽ được triển khai và nhân rộng tại nhiều tỉnh thành nhằm hỗ trợ nông dân tại vùng dịch tiêu thụ nông sản mùa vụ trong điều kiện xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước đó, với mong muốn chung tay giúp các tỉnh trong vùng dịch nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Tổng cục Quản lý thị trường đã gấp rút ủng hộ Bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Giang 500 bộ trang phục phòng chống dịch và 5.000 khẩu trang y tế N95; ủng hộ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh mỗi tỉnh 1.000 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ III.

Theo UYÊN HƯƠNG (Báo Tin Tức)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh